Vấn đề này ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng do tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng sâu sắc có khả năng làm cho các hiện tượng mưa cực đoan trở nên phổ biến hơn sau khi mưa dữ dội và lũ lụt tàn phá khắp các khu vực của Tây Âu vào đầu tháng này.
Đức và Bỉ là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận mưa cực lớn vào ngày 14/7 và ngày 15/7. Các nhà chức trách báo cáo đã có hơn 200 người thiệt mạng khi lũ lụt nhấn chìm toàn bộ các ngôi làng ở Đức và Bỉ. Các khu vực của Thụy Sĩ, Pháp, Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tài sản của một người dân đã bị phá hủy bởi trận lụt vào ngày 16/7/2021 tại Bad Neuenahr, Ahrweiler, Đức. Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, trong khi sông Meuse khởi nguồn từ Pháp, chảy qua Bỉ và Hà Lan trong thời điểm đó đạt mực nước cao kỷ lục nhưng quy mô tàn phá ở Hà Lan không giống như ở những nơi khác.
Các chuyên gia về lũ lụt nói với CNBC rằng, mặc dù có một số lý do khiến khó có thể so sánh trực tiếp sự tàn phá ở Hà Lan với các nước khác ở Tây Âu, nhưng nhiều thập kỷ đầu tư vào công tác phòng ngừa lũ lụt chắc chắn đã giúp Hà Lan hạn chế thiệt hại.
“Đó là một thảm họa khủng khiếp. Người thì mất mạng, người thì mất bạn bè, gia đình thì không có gì phải khoe khoang cả khi Hà Lan không chứng kiến trận mưa lớn mà Đức chứng kiến hay Bỉ chứng kiến”, Henk Ovink, một chuyên gia về lũ lụt và đặc phái viên của Hà Lan về các vấn đề nước quốc tế nói với CNBC.
Ông cho biết, một lý do chính khiến Hà Lan có thể đối phó với một lượng lớn nước di chuyển qua hệ thống sông của mình trong thảm họa lũ lụt gần đây là “rất nhiều nỗ lực” đã được đầu tư vào việc cải thiện khả năng phòng chống lũ lụt của Hà Lan trong những năm gần đây.
Các biện pháp này bao gồm việc mở rộng và đào sâu các kênh sông như một phần của dự án "Room for the River" của chính phủ Hà Lan, tạo mức độ bảo vệ cao đối với các đập, đê và các kế hoạch sơ tán để đảm bảo rằng mọi người có thể được di chuyển đến nơi an toàn.
Ảnh chụp từ trên không cho thấy một khu vực bị lũ lụt phá hủy hoàn toàn ở quận Blessem của Erftstadt, miền Tây nước Đức vào ngày 16/7/2021. Ảnh: Getty Images |
“Tôi không muốn so sánh với các quốc gia khác, nhưng nếu nhìn vào Hà Lan, những nỗ lực của chúng tôi đã giúp ích và mang lại hiệu quả. Đồng thời, như mọi khi với những thách thức mà xã hội của chúng ta phải đối mặt, chúng ta phải sử dụng thảm họa này một lần nữa như một bước đệm hoặc một khoảnh khắc học hỏi”, ông nói thêm.
“Một thảm họa giống như một tia X. Thảm hoạ chỉ ra tính dễ bị tổn thương của hệ thống và cho thấy tất cả những sự phụ thuộc lẫn nhau này trong hệ thống cấp nước và đô thị cũng như cơ sở hạ tầng và xã hội. Nếu bạn thực sự xem xét kỹ hơn thì bạn có thể học cách chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách trong tương lai. Tôi nghĩ đó bây giờ là gánh nặng nhưng cũng là cơ hội”, ông nói thêm.
Một lịch sử lâu dài về quản lý nước
Phản ánh về những trận lũ lụt xảy ra ở châu Âu trong những tuần gần đây, ông Ovink đề xuất ba cách để các quốc gia cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với lũ lụt.
“Đầu tiên, hãy tính đến biến đổi khí hậu trong mọi việc bạn làm”, ông nói khi đề cập đến mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng lên 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
“Thứ hai, với mỗi khoản đầu tư thực hiện, hãy nghĩ đến khả năng của tự nhiên để giúp xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng. Và thứ ba, hãy làm điều này với tất cả các bên liên quan từ cấp cộng đồng trở lên”, ông cho biết.
Hà Lan có lịch sử lâu đời về quản lý nước, mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng trận lụt kinh hoàng ở Biển Bắc năm 1953 là thời điểm quan trọng đối với Hà Lan. Trận lũ lụt đó đã gây ra thiệt hại trên diện rộng và khiến 1.835 người thiệt mạng trên toàn quốc. Chính điều này đã thúc đẩy việc xây dựng Delta Works - hệ thống chống lũ lụt lớn nhất thế giới ở phía tây nam của Hà Lan.
Các tình nguyện viên và nhân viên lâm nghiệp của Hiệp hội Bảo tồn Di tích Thiên nhiên ở Hà Lan tham gia hoạt động dọn dẹp để thu gom rác thải từ vùng lũ quanh sông Meuse, miền Nam Hà Lan vào ngày 27/7/2021. Ảnh: Getty Images |
Nhiều thập kỷ sau, lũ lụt ở sông Rhine và sông Meuse vào năm 1993 và 1995 đã khiến hơn 200.000 người phải sơ tán như một biện pháp phòng ngừa. Những sự kiện gần như thảm khốc đã gây ra sự thay đổi trong thái độ đối với việc bảo vệ nguồn nước và sớm mở đường cho dự án “Room for the River”.
William Veerbeek, một chuyên gia quản lý lũ lụt đô thị tại Viện Giáo dục Nước IHE Delft đã chỉ ra rằng dự án “Room for the River” là đặc biệt quan trọng và cho biết rằng cách tiếp cận của Hà Lan đối với rủi ro lũ lụt đã “thực sự thành công” trong những tuần gần đây.
“Dự án Room for the River tập trung chủ yếu vào các con sông lớn và vì chúng tôi là vùng đồng bằng, nơi tất cả nước cuối cùng đều đổ ra biển, nên điều đó đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi”, ông cho biết.
“Đối với các quốc gia khác, việc tạo thêm không gian cho nước là điều cần thiết vì sông càng lớn thì thảm họa cuối cùng càng lớn nếu sông đó lũ lụt. Tuy nhiên, trên các dòng suối nhỏ hơn mà chúng tôi đã chứng kiến sự tàn phá cũng thực sự có vấn đề về sự chuẩn bị. Và ở Hà Lan, chúng tôi cũng có thể đầu tư nhiều hơn vào điều đó và làm tốt hơn điều đó”, ông cho biết thêm.
Kế hoạch về không gian (địa điểm, khu vực, quy mô)
Các chuyên gia về lũ lụt nói với CNBC rằng, các hệ thống cảnh báo sớm về quy mô, các chiến lược và kế hoạch sơ tán khẩn cấp để đảm bảo rằng người dân biết phải làm gì khi thời điểm đến là tất cả những công cụ cần thiết để các nhà hoạch định chính sách tìm cách cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với lũ lụt.
Hệ thống đê chắn sóng ở Hà Lan. Ảnh: Netherlands Insiders |
“Ngoài ra còn có một thành phần về quy hoạch không gian”, ông Veerbeek cho biết và lưu ý rằng một số ngôi làng ở Đức chịu sự tàn phá nặng nề nhất là những khu vực lịch sử đã có dân cư hàng nghìn năm.
“Nhưng bây giờ bạn có thể có một câu hỏi chính đáng. Rất nhiều cấu trúc đã thực sự bị hư hại vĩnh viễn và cần được tái thiết nghiêm trọng hoặc được xây dựng lại hoàn toàn. Và bạn có thể tự hỏi mình, liệu chúng ta có nên xây dựng trở lại tại cùng một địa điểm và tại các địa điểm giống nhau không?”, ông cho biết.
Ít nhất, điều quan trọng là phải đánh giá lại vị trí của các cơ sở hạ tầng dễ bị tổn thương như dịch vụ khẩn cấp, nhà hưu trí và bệnh viện để đảm bảo rằng các cơ sở đó không nằm ở các khu vực đồng bằng ngập lụt đặc biệt dễ bị tổn thương.
Hơn nữa, một thế hệ mới gồm các nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc sư với nhận thức nâng cao về các rủi ro liên quan đến khí hậu có thể sẽ tạo ra sự khác biệt lớn khi quy hoạch các khu dân cư mới.
“Tôi có thể nói đó là hai lĩnh vực mà cả ba quốc gia trong trường hợp này vẫn có thể cải thiện”, ông cho biết.
Các nhà khoa học khí hậu dự đoán các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng trở nên thường xuyên trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh lũ lụt tàn phá châu Âu và Trung Quốc, khói độc bao trùm Siberia và nắng nóng chưa từng có ở phía tây Bắc Mỹ đã gây ra các vụ cháy rừng tàn khốc trong những tuần gần đây.
“Trong khi đó vào mùa hè, mực nước sông thường khá thấp vì có nhiều hiện tượng thoát hơi nước. Nhưng lần này lũ lụt đến vào mùa hè mà chúng ta thường không mong đợi điều này xảy ra. Với biến đổi khí hậu, chính xác là những loại sự kiện mà chúng tôi mong đợi sẽ trở nên phổ biến hơn”, ông Veerbeek cho biết.