Người già nghiện smartphone

"Tôi không nghiện smartphone đâu. Nhưng vợ tôi thì có", Lioh Cheng Lim, 61 tuổi vừa nói vừa liếc nhìn vợ là Yea Bee Hong.
Lioh và Yea đôi khi nói chuyện qua tin nhắn điện thoại, cho dù ở cùng một nhà. Ảnh: The Star/Asia News Network. Lioh và Yea đôi khi nói chuyện qua tin nhắn điện thoại, cho dù ở cùng một nhà. Ảnh: The Star/Asia News Network.

"Không, đừng tin ông ấy. Chồng tôi nghiện điện thoại di động hơn tôi nhiều", Yea 62 tuổi phản bác. 

Lioh, một kỹ thuật viên chụp X quang nghỉ hưu, thừa nhận mình dùng điện thoại rất thường xuyên. Mỗi sáng, điện thoại là món đồ đầu tiên ông với tìm.

"Tôi thức dậy và kiểm tra hết tin nhắn. Tôi tham gia khoảng 20 nhóm trên ứng dụng trò chuyện nên mất tới 15-20 phút mới đọc hết.", Lioh chia sẻ.

Ông tiết lộ mình có tài khoản ở 7 nền tảng mạng xã hội khác nhau, chủ yếu dùng để đăng tải hoạt động, trò chuyện với bạn bè và chia sẻ kiến thức.

Trong khi đó, Yea, trước đây làm giáo viên, dùng mạng xã hội nhằm giữ liên lạc với đồng nghiệp và học trò cũ.

Trang cá nhân của bà có 900 người bạn. Theo thống kê từ nền tảng mạng xã hội, mỗi ngày, Yea dành ít nhất 6 tiếng cho màn hình điện tử. 

"Tôi nghĩ vợ mình sẽ chết nếu không có điện thoại. Bà ấy còn mang điện thoại vào toilet", Lioh nói. Tuy nhiên, Yea khẳng định mình chỉ dùng smartphone khi không bận bịu việc khác.

Lioh và Yea chỉ là hai trong số hàng loạt người cao tuổi ở Malaysia nói riêng và toàn thế giới nói chung phụ thuộc vào smartphone. 

Theo tác giả kiêm chuyên gia tư vấn ở Thung lũng Silicon Alex Soojung-Kim Pang, người già dễ "nghiện" điện thoại di động tương tự người trẻ.

"Chúng ta đều là con người", ông Pang nói. Hơn nữa, điện thoại di động là công cụ gây xao lãng mà người già thì rất dễ bị phân tâm.

Nhà tâm lý học Yap Chee Khong từ Trung tâm Y tế Sunway thì cho rằng người già "nghiện" điện thoại do nguyên nhân sinh học, tâm lý và xã hội.

Đầu tiên, khi làm điều mình thích, não người sẽ tiết ra các hoóc môn như endorphin, khiến họ lặp đi lặp lại hành vi này. Bên cạnh đó, một số người dùng điện thoại cho đến khi mệt mỏi để dễ đi vào giấc ngủ hơn. 

Sử dụng điện thoại di động quá mức cũng có thể là dấu hiệu cô đơn như trường hợp của Mark Selvarajah 67 tuổi.

Những lúc ngồi cùng bạn bè hay gia đình vợ mà không biết nói gì, Mark chỉ biết lấy điện thoại di động ra giết thời gian.

Dần dần, smartphone trở thành vật bất ly thân của ông, đến mức không thể ra đường mà không mang theo. "Một lần, tôi đã rời nhà 15 phút thì nhớ ra mình quên điện thoại. Tôi lập tức quay lại để lấy", Mark chia sẻ.

"Cũng có người lấy cớ dùng điện thoại để né tránh giao tiếp hoặc làm gì đó", ông Yap nói thêm.

Tình trạng "nghiện" điện thoại di động còn do môi trường xung quanh. Theo ông Yap, muốn hiểu về thói quen sử dụng smartphone của ai đó, hãy hỏi họ có điện thoại như thế nào.

Yea cho biết con cái chính là nguyên nhân bà dùng smartphone. "Cách duy nhất để các con tôi nhanh chóng trả lời là nhắn tin qua ứng dụng trò chuyện", bà chia sẻ. 

Theo ông Yap, để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào smartphone, người già cần được làm điều gì có ý nghĩa với họ. Như Mark, ngoài chơi golf đã tham gia thêm hoạt động leo núi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thừa nhận mình "nghiện" điện thoại. "Tôi có thể sống mà không dùng điện thoại nhưng ngày nay, đó là món đồ không thể thiếu", Lioh nói.

Ông khẳng định sẽ không giảm số giờ sử dụng smartphone.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục