Dân khổ vì khói bụi
Cụm công nghiệp Thanh Vinh do Công ty cổ phần Đà Nẵng - Miền Trung làm chủ đầu tư, nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng 8 km về hướng Tây Bắc. Đây hiện là nơi đặt cơ sở sản xuất của nhiều nhà máy sản xuất thép cũng như các sản phẩm công nghiệp nặng khác.
Theo phản ánh của nhiều người dân thôn Vân Dương 2, do Cụm công nghiệp Thanh Vinh được bố trí ngay sát khu dân cư, nên trong nhiều năm qua, họ liên tục phải chịu đựng cảnh ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi mà các nhà máy xả ra, sức khoẻ và đời sống sinh hoạt bị ảnh hưởng.
“Ban đêm đang ngủ thì nhà máy hoạt động, máy chạy rầm rầm. Người dân đã phản ánh, nhưng phía lãnh đạo công ty cứ kêu thông cảm miết. Giờ chúng tôi thông cảm cho họ thì ai thông cảm cho chúng tôi đây”, bà Đặng Thị Luận (tổ 5, thôn Vân Dương 2) bức xúc.
Ông Phan Văn Thanh, Trưởng thôn Vân Dương 2 cho biết, ô nhiễm từ khí thải của Cụm công nghiệp Thanh Vinh gây ảnh hưởng trực tiếp đến 4 tổ trong thôn (khoảng 300 hộ). Khu vực tổ 5 của thôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hàng ngày, khi nhà máy xả thải thì người dân phải đóng cửa lại. Toàn bộ mái tôn giờ phải lợp ngang, không thể lợp xuôi vì bụi khí chất thải rắn bám vào làm tôn rỉ sét, mục nát hết.
“Năm 2004 - 2005, khi tiến hành giải tỏa, họ nói di dời để xây cụm công nghiệp nhẹ gồm nhà máy may, nhà máy đan giỏ…, người dân cũng mừng. Nhưng đến khi triển khai sản xuất thì lại toàn công ty chuyên về công nghiệp nặng, khói bụi xả ra nhiều, nên người dân bức xúc phản đối”, ông Thanh nói và cho biết, nhiều năm qua, tại các phiên tiếp xúc cử tri HĐND Thành phố, ông đã nhiều lần phản ánh vấn đề này.
Quy hoạch nửa vời
Theo ông Trương Tấn Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, ban đầu chỉ có chủ trương mở rộng Cụm công nghiệp Thanh Vinh tại địa bàn xã, chính quyền hoàn toàn không biết lĩnh vực nào sẽ được đầu tư vào đây. Địa phương đã yêu cầu các nhà máy phải đảm bảo đúng công suất nhằm hạn chế ô nhiễm, nhưng tình hình không được cải thiện nhiều.
Trước tình hình đó, chính quyền xã Hòa Liên đã đưa ra hai kiến nghị, một là giải tỏa người dân khỏi vùng ảnh hưởng, bố trí trả tiền giải tỏa cho dân, hai là trồng cây xanh tại khu vành đai ven Cụm công nghiệp (5,2 ha) nhằm giảm ô nhiễm. “Thành phố đã có chỉ đạo, họp dân, các công ty đã phối hợp trả tiền đền bù và khắc phục tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, phương án trồng cây xanh chưa được tiến hành”, ông Mạnh nói.
Theo UBND xã Hòa Liên, hiện còn 12 hộ dân chưa được di dời khỏi vùng ven vành đai do vướng vấn đề kinh phí giải tỏa. Hiện Công ty Thép Dana Úc còn nợ 1,4 tỷ đồng tiền giải tỏa, Công ty Thép Dana Ý còn nợ 700 triệu đồng.
“Cách nhau 10-15m mà dân chịu đựng mình mấy năm như vậy là tốt lắm rồi. Tôi sẽ lo trả cho xong số tiền 1,4 tỷ đồng đó để rào bờ tường lại. Còn việc chậm chi trả là do thủ tục yêu cầu phải trả từng đợt chứ không phải là khó khăn gì”, bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Dana Úc cho biết.
Còn theo ông Hồ Nghĩa Tín, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Dana Ý, Công ty đã liên hệ Ban Giải tỏa đền bù số 1 tổng kết số liệu cuối cùng, chuyển công văn để Công ty có hồ sơ giải ngân, nhưng đến nay vẫn nhận được. “Công ty sẽ thực hiện nghĩa vụ ngay khi có đủ hồ sơ và số liệu cuối cùng”, ông Tín khẳng định.
Ông Tín cũng chỉ rõ, việc doanh nghiệp đã nhận quyền sử dụng đất theo phương thức chuyển nhượng và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng nay phải đóng góp thêm để tạo vành đai là hậu quả của công tác quy hoạch trong những năm 2005 - 2010. Khi đó, các nhà làm quy hoạch đã bỏ sót các quy định liên quan đến vành đai khu công nghiệp. Điều này làm phát sinh khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp, cho hệ thống quản lý nhà nước và cuộc sống của nhân dân các vùng lân cận.
Giải thích về tình trạng trên, ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đà Nẵng - Miền Trung cho biết, Cụm công nghiệp Thanh Vinh chỉ gồm 29 ha. Còn phần mở rộng (vùng ven cách ly 5,2 ha) ban đầu cũng giao cho Công ty, nhưng sau các doanh nghiệp xin nhận lại để được làm sổ đỏ. “Trước tôi đã nói là chúng tôi sẽ giải tỏa luôn phần cách ly đó, nhưng các vị ấy có ý kiến nên Thành phố mới thay đổi chủ đầu tư và cho họ làm. Không phải chúng tôi muốn đẩy cho doanh nghiệp mà là do họ có nhu cầu, nếu không chúng tôi vẫn làm như bình thường”, ông Hải nói.