Người dân không nên đi lao động nước ngoài theo đường bất hợp pháp

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hình thức tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài khác hoàn toàn với loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: vietnamnet) Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: vietnamnet)

Tham dự và ngồi bàn chủ tọa cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (5/11), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trao đổi với các phóng viên một số thông tin về việc tổ chức cho người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài.

Mở đầu phát biểu của mình, ông Đào Ngọc Dung chia sẻ, là người chịu trách nhiệm quản lý việc làm, ông "xin chia sẻ và gửi lời chia buồn tới gia đình, các thân nhân người thiệt mạng tại Anh quốc vừa qua".

Làm rõ về vấn đề quản lý lao động ngoài nước, ông Đào Ngọc Dung khẳng định, hình thức tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài khác hoàn toàn với loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp.

"Riêng tổ chức lao động ở nước ngoài thực hiện theo Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng. Các quốc gia đưa người Việt Nam tới lao động đều có các hiệp định về lao động, hay bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam", ông Dung nêu rõ.

Theo đó, những người đi lao động hợp pháp qua 5 hình thức: Thứ nhất, qua các doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép; Thứ hai, hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn, công ty của 32 nước có hợp tác; Thứ ba, đi theo dạng cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài, nhưng vẫn đăng ký qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý người lao động ở nước ngoài; Thứ tư là hợp tác đào tạo liên kết giữa 2 bên cấp phép; Thứ năm, gần đây Chính phủ cho phép trao đổi lao động hợp tác giữa các địa phương ở 2 quốc gia trong thời hạn ngắn hạn, ví dụ như hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc hay lao động du lịch làm thêm tại Cộng hoà Czech.

Theo ông Dung, hiện có gần 400 doanh nghiệp được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Trong 3 năm qua, mỗi năm đưa trên 100.000 người đi lao động tại các nước, tập trung tại 4 địa bàn là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia. Tại châu Âu đã ký hợp tác với 2 quốc gia là Romania và CHLB Đức. "Tôi đã vào nơi các lao động làm việc, kiểm tra nơi ăn ở, nói chung là cuộc sống tốt, mức thu nhập 2.600 EUR/tháng, sau khi trao đổi thêm dự kiến nâng lương lên 3.000 EUR/tháng/1 người", ông Dung nói.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong việc đưa người lao động đi nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm minh bạch, công khai về địa bàn, mức thu phí, mức lương từng doanh nghiệp... Người được doanh nghiệp đưa đi đều được cấp Visa, có chính sách bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội…

Đối với hiện tượng doanh nghiệp không có chức năng nhưng mượn phép, liên doanh, liên kết trá hình đưa lao động đi, hoặc không được cấp giấy phép nhưng làm “cò mồi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo phối hợp xử lý, trường hợp doanh nghiệp trái phép đã chuyển cơ quan điều tra xử lý.

"Với gần 400 doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, vừa qua Bộ tiến hành thanh, kiểm tra 118 doanh nghiệp, thực hiện thu hồi, đình chỉ hoặc cấm vĩnh viễn một số doanh nghiệp vi phạm, kể cả doanh nghiệp có truyền thống hoạt động 25 năm", ông Dung nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành lao động cũng cho biết, với Nhật Bản, Hàn Quốc, các bên đã thống nhất nếu doanh nghiệp nào vi phạm, ở cả 2 đầu tiếp nhận và cử người đi đều bị xử lý. Bộ cũng đã xử lý sai phạm với địa bàn có nhiều người đi nhưng không chịu về, trốn lại làm việc khi hết hạn. Kết quả, năm 2016 có 56% người lao động trốn ở lại Hàn Quốc nhưng qua 3 năm, tỷ lệ này giảm còn 26%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Chúng tôi khuyến cáo, mong nhân dân, thanh niên có kế hoạch lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp, thông qua cơ quan được cấp phép và ký hợp tác ở nước sở tại, được bảo hộ công dân, có Visa, giấy phép lao động, có mức lương, có thoả thuận. Cơ quan chức năng cũng hỗ trợ đứng ra thoả thuận với các nước đến về lương, thuế phải nộp… Bộ có công khai tên, danh sách các đơn vị được phép. Do đó, bà con không nên đi theo đường bất hợp pháp hay qua các doanh nghiệp không được cấp phép.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục