Indonesia đã tự cung cấp đủ gạo vào những năm 1980 trước khi đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng nhà ở cho dân số đang bùng nổ, hiện lên tới hơn 270 triệu người. Mặc dù vậy, hơn 90% gia đình Indonesia vẫn tiêu thụ gạo hàng ngày.
Rajendra Aryal, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp tại Indonesia cho biết, mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người hàng năm ở Indonesia vào khoảng 95kg - cao hơn nhiều so với mức tiêu thụ trung bình hàng năm của các loại ngũ cốc khác khác như ngô, khoai lang, khoai tây và sắn.
Tầm quan trọng của mặt hàng chủ lực đối với nền kinh tế, văn hóa và xã hội Indonesia đến mức lạm phát lương thực cao đã góp phần vào sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Suharto vào năm 1998.
Trong năm ngoái, thời tiết tương đối nóng do hiện tượng thời tiết El Nino và mùa khô kéo dài ở nhiều vùng của Indonesia đã khiến sản lượng lúa gạo giảm khoảng 18%. Indonesia sẽ lại bước vào mùa khô vào tháng tới.
“Những điều kiện này có thể khiến giá gạo tăng và làm suy yếu khả năng mua của người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến tầng lớp nghèo hơn trong xã hội, bao gồm cả các hộ sản xuất nhỏ”, ông Rajendra Aryal cho biết.
Gạo là một phần bản sắc văn hóa của Indonesia
Người Indonesia thường nói nếu chưa ăn cơm nghĩa là chưa ăn, và gạo không chỉ là nguồn thực phẩm có chi phí tương đối thấp cho hầu hết các hộ gia đình mà còn là một phần bản sắc văn hóa của đất nước.
Ika Krishnayanti, chuyên viên quan hệ quốc tế của nhóm nông dân Liên minh Nông dân Indonesia cho biết, lúa gạo là một phần không thể thiếu trong lịch sử và văn hóa Indonesia từ thời cổ đại.
"Gạo là một trong những mặt hàng nông sản quan trọng nhất ở Indonesia..., là biểu tượng của văn hóa và truyền thống", ông Ika Krishnayanti cho biết.
Jongsoo Shin, Giám đốc châu Á tại Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, các cánh đồng lúa cũng là một phần đặc biệt của cảnh quan Indonesia, đặc biệt là ở các khu vực thu hút khách du lịch như Bali và Trung Java.
“Giá gạo tăng và nguồn cung giảm có thể dẫn đến mất an ninh lương thực, đặc biệt đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Điều này có thể tạo ra cảm giác đói, lo lắng và thất vọng, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội và biểu tình… Nông dân bị mất mùa mất thu nhập và có thể phải đối mặt với nợ nần, góp phần gây ra khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội”, ông cho biết.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu gạo có thể khiến Indonesia dễ bị tổn thương hơn trước những biến động giá cả và gián đoạn chuỗi cung ứng ở các nước xuất khẩu.
“Nhập khẩu số lượng lớn gạo có thể gây căng thẳng cho ngân sách chính phủ và làm suy yếu ngành nông nghiệp, vốn rất quan trọng đối với việc làm ở nông thôn và an ninh lương thực”, ông cho biết.
Công nghệ có thể giúp nông dân đối phó với nhiệt độ tăng cao
Để chống lại tình trạng thiếu gạo, Tổng thống Indonesia Joko Widodo năm ngoái đã huy động quân đội để giúp trồng trọt và trợ cấp phân phối phân bón.
Thừa nhận áp lực từ giá gạo tăng đối với người tiêu dùng và hơn 15 triệu hộ gia đình trồng lương thực, chính phủ Indonesia cũng bắt đầu bán gạo giảm giá và hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Romauli Panggabean, nhà kinh tế môi trường phụ trách các hệ thống thực phẩm bền vững tại Viện Tài nguyên Thế giới Indonesia đã kêu gọi đa dạng hóa hơn nữa các nguồn carbohydrate (một thành phần cơ bản trong thức ăn của con người, cùng với protein, lipid, vitamin và khoáng chất) để giúp người dân Indonesia có khả năng ứng phó tốt hơn với biến động giá gạo.
Bà lưu ý rằng, Cơ quan Lương thực Quốc gia của nước này đang khuyến khích mọi người ăn các nguồn carbohydrate khác có sẵn tại địa phương như ngô, sắn, khoai tây, chuối, lúa miến và cao lương. Ngoài ra, việc phân phối các giống lúa chịu hạn cho nông dân ở các vùng bị ảnh hưởng cũng rất quan trọng.
Theo ông Jongsoo Shin, về lâu dài, chính phủ nên tiếp tục đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, bao gồm cải tạo các kênh rạch hiện có và xây dựng kênh mới, để tăng cường quản lý nước và giảm sự phụ thuộc vào lượng mưa.
Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi điều kiện thời tiết và cung cấp thông tin kịp thời cho nông dân về hạn hán có thể xảy ra, đồng thời cho phép họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Điều này sẽ đi đôi với việc đào tạo cho nông dân về các biện pháp thực hành nông nghiệp chịu hạn, kỹ thuật bảo tồn nước và lưu trữ sau thu hoạch, đồng thời các chương trình bảo hiểm cây trồng và đa dạng hóa cây trồng mang lại sự an toàn cao hơn.
Các nhà phân tích cho biết, công nghệ là một phần quan trọng của giải pháp, với máy bay không người lái và cảm biến có thể giám sát cây trồng, độ ẩm của đất, điều kiện thời tiết và hệ thống tưới tiêu cũng như nền tảng kỹ thuật số cho phép nông dân chia sẻ thông tin và các biện pháp thực hành tốt nhất.