Thời gian qua, thị trường khá hoang mang trước việc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ có nói sẽ tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Phải hiểu điều này thế nào cho đúng, thưa ông?
Chính phủ đã chính thức giải thích: thị trường tự do mà Nghị quyết 11 đề cập đến hàm ý là thị trường không được NHNN cấp phép. Việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do là xóa bỏ kinh doanh vàng miếng của những cửa hàng vàng không được cấp phép kinh doanh vàng miếng, không được cấp phép dập vàng miếng, chứ không phải là cấm buôn bán vàng miếng. Người dân có quyền tích trữ, mua và bán vàng miếng nhưng việc mua bán vàng miếng đó phải được thực hiện tại các cửa hàng được NHNN cấp phép.
Không nên phê phán, lên án việc dân chúng Việt Nam thích cất trữ vàng. Trong bối cảnh lạm phát cao, đồng tiền mất giá, việc người dân tìm đến một tài sản để bảo toàn giá trị như vàng cũng là điều dễ hiểu. Vào thời điểm hiện nay, lựa chọn vàng là không sai vì vàng chắc chắn ổn định hơn USD hay bất cứ loại ngoại tệ nào khác. Không chỉ dân chúng Việt Nam mà người dân trên toàn thế giới đều làm như vậy.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cung - cầu ngoại tệ tại Việt Nam là khá căng thẳng nên chúng ta có vẻ thành kiến với việc dân chúng đẩy USD đi lấy vàng về Việt Nam , tức là làm cho áp lực về tỷ giá hối đoái nặng nề hơn rất nhiều. Thế nhưng, điều này, về phương diện đạo lý là không đúng. Đương nhiên, lượng vàng nhập về sẽ trở thành nguồn lực dự trữ trong dân, vấn đề là chúng ta phải có cơ chế để khơi thông nguồn lực này phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Vậy việc kinh doanh vàng miếng thời gian tới sẽ thế nào?
Chủ trương của Chính phủ là trước mắt, tạm thời cho phép những công ty nào có giấy phép của NHNN về kinh doanh vàng miếng, đúc dập vàng miếng được tiếp tục kinh doanh. Chính phủ cấm hoạt động kinh doanh vàng miếng tại những công ty, cửa hàng không được cấp giấy phép là chuyện đương nhiên bởi hai lý do: thứ nhất, làm sai luật; thứ hai, dân chúng và các nhà đầu tư bị thua thiệt vì bản thân họ không kiểm tra được hàm lượng, khối lượng vàng.
Về lâu dài, Chính phủ muốn NHNN quản lý chặt chẽ việc kinh doanh vàng miếng. Có thể NHNN thành lập một công ty của NHNN để dập vàng miếng đúng chuẩn và đóng dấu của NHNN. Đó là vàng có thể lưu thông trên thị trường và trên sàn giao dịch vàng sau này. Sau đó, công ty đúc dập có thể có những chi nhánh hoặc ủy thác cho các đại lý mua bán vàng miếng đó. Cơ chế như vậy sẽ vừa giúp NHNN quản lý thị trường vàng thuận lợi, vừa giúp nhà đầu tư và dân chúng có một công cụ để dành, đầu tư rất tin cậy.
Như vậy có nghĩa là sẽ tiến tới chuẩn hóa vàng miếng?
Đúng như vậy. Điều này vô cùng quan trọng. Người dân khi mua vàng tích trữ đều mong muốn sau này có thể bán vàng ra thị trường một cách tiện lợi và không bị thua thiệt. Muốn vậy, vàng miếng đó phải rất chuẩn.
Tuy nhiên, có một bất cập là ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều công ty được quyền dập, đúc vàng miếng. Mặc dù họ cũng ghi rõ hàm lượng và số lượng nhưng không được một cơ quan quản lý nhà nước nào kiểm soát một cách nghiêm ngặt về hàm lượng, số lượng. Chính vì vậy mới nảy sinh hiện tượng, các thương hiệu vàng không thừa nhận lẫn nhau. Người dân khi mua vàng của hãng nào phải bán lại cho đúng hãng đó còn nếu bán lại cho hãng khác thường bị yêu cầu kiểm định lại, thậm chí là phải chiết khấu. Điều này khiến người dân không yên tâm, tin tưởng vào các thương hiệu vàng.
Tại nhiều nước phát triển, chỉ có NHTW mới được quyền đúc vàng thành vàng miếng chuẩn, có dấu của NHTW để đảm bảo hàm lượng, trọng lượng chính xác, không có chuyện gian lận. Người dân khi mua biết chắc chắn là mình đã mua được hàng hóa đúng và trả giá đúng hàng hóa, cất giữ đúng tài sản tin cậy. Bên cạnh đó, chỉ có vàng miếng chuẩn của NHTW mới có thể giao dịch trên sàn giao dịch vàng được.
Một bất cập của thị trường vàng thời gian qua là tình trạng đầu cơ, khiến giá vàng trong nước nhiều khi cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều. Tình trạng này thời gian tới sẽ được xử lý thế nào, thưa ông?
Nguyên nhân là do chúng ta quản lý vàng theo phương châm hạn ngạch, nghĩa là không có sự liên thông giữa thị trường vàng nội địa và thế giới, liên thông một cách giật cục. Giá vàng thế giới tăng trong khi trong nước chưa tăng, doanh nghiệp chưa có hạn ngạch thì chưa nhập. Khi lượng vàng trong nước ít, giá sẽ tăng lên. Tuy nhiên, hạn ngạch để nhập khẩu vàng chính thức là có hạn nên phát sinh tình trạng nhập lậu vàng với khối lượng rất lớn, không phải hàng trăm triệu USD mà là hàng tỷ USD.
Có 2 vấn đề. Thứ nhất là đồng tiền Việt Nam mất giá khiến dân chúng tìm đến kênh khác để tiết kiệm, đó là xu hướng chung, không chỉ có ở Việt Nam. Thứ hai, do chế độ quản lý vàng bằng hạn ngạch tạo ra sự sai biệt cung cầu thị trường vàng nội địa với thế giới, tạo ra sự chênh lệch giá. Rõ ràng, về lâu dài, quản lý nhập khẩu vàng theo hạn ngạch là không ổn, cần có một cơ chế thay thế.
Để xử lý điều đó, Chính phủ có chủ trương sẽ quản lý thị trường vàng tập trung, có thể thu hẹp đầu mối xuất nhập khẩu vàng; giao trách nhiệm cho những đầu mối này cân bằng nhu cầu vàng trên thị trường để nhịp độ biến động giá vàng trong nước bắt theo giá vàng quốc tế. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng nhập lậu vàng, bởi việc nhập lậu sẽ có rủi ro rất lớn như: nhập lậu về mà không bán được; giá vàng xuống. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể sẽ giảm thuế xuất nhập khẩu để hạn chế tình trạng buôn lậu, trốn thuế.