Người dân chưa muốn thoát nghèo vì “cảm thấy chưa yên tâm”

0:00 / 0:00
0:00
Có những người thoát nghèo thì buồn và được trở lại hộ nghèo lại vui, vì họ quan tâm đến chính sách hỗ trợ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ tranh luận tại hội trường. Đại biểu Tạ Văn Hạ tranh luận tại hội trường.

“Còn một nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo, đó là vì từ cách làm cho đến chất lượng chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo chưa thực sự để người dân tin, sự bền vững chưa cao cho nên người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo”.

Quan điểm trên được đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu khi tranh luận tại phiên giám sát tối cao sáng 30/10 của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Trước đó, đề cập vấn đề thoát nghèo, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu một vấn đề theo ông là rất đáng quan tâm.

“Việc thoát nghèo và giảm nghèo, sự nghèo hay không nghèo là biến số và giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Bởi lẽ, một gia đình có thể đang rất bình thường, nhưng nếu chỉ cần có một người ốm, một người bị bệnh nặng đi điều trị, tự nhiên trở thành người nghèo”, ông Nghĩa nói.

Nhưng, theo đại biểu Nghĩa, cũng có những cơ may để cho các gia đình nghèo có thể thoát nghèo. Như vậy, quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo và ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, của các chương trình mục tiêu, các chính sách nhà nước mãi mãi vẫn chỉ là sự hỗ trợ và chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể đã có ý thức vươn lên.

“Tại sao cùng trong một điều kiện của cùng một khu vực, của một hoàn cảnh có người vươn lên thoát nghèo và có những người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được tham gia vào hộ nghèo. Tại sao có những người thoát nghèo thì buồn và được trở lại hộ nghèo lại vui, vì họ quan tâm đến chính sách hỗ trợ. Tôi nghĩ rằng, phải có một sự thay đổi rất cơ bản về mặt nhận thức của đối tượng, của các chủ thể được hưởng thụ các chính sách này”, ông Nghĩa phát biểu.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ ra nguyên nhân căn cơ người dân chưa muốn thoát nghèo, đó là vì từ cách làm cho đến chất lượng chương trình chưa thực sự để người dân tin, sự bền vững chưa cao cho nên người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo.

“Khi hết chương trình, hết dự án thì lúc bấy giờ nghèo lại hoàn nghèo”, ông Hạ nhận định và cho rằng, vấn đề cần quan tâm đó là cách làm và chất lượng của các chương trình phải đảm bảo mang tính bền vững cao, khi đó tự người dân sẽ nhận thức được và không ai muốn quay lại cảnh nghèo.

Cũng bàn về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nói, hiện tại, nhiều hộ gia đình không thể thoát nghèo do không có vốn, sức lao động và tư liệu sản xuất. Do vậy, cần nhóm những hộ này thuộc diện nghèo bền vững và có chính sách đặc biệt. Có như vậy mục tiêu chương trình mới có tính khả thi cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị xem xét cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng (trong đó: ngân sách trung ương 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng). Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.

Một trong những hạn chế được nhiều đại biểu nêu là giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 (đến ngày 31/1/2023) đạt 35,63% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 45% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 6,39% kế hoạch); giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 53% kế hoạch; giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 đạt 6,53%; giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 đạt 31,9% kế hoạch.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục