Sáng ngày hôm qua (28/11) tại Hà Nội, có một hội thảo quốc tế với tên rất dài là “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam”. Hội thảo này nhận được sự chú ý khá lớn từ giới chuyên môn, và nội dung hội thảo chắc chắn sẽ được chú ý trong dư luận sau khi được các phương tiện truyền thông đăng tải.
Hội thảo không chỉ nói về con bò sữa mà còn nói về cả ngành sữa, và một trong các nội dung được đề cập tới đó là ngành sữa nước Việt Nam đang đi không đúng nhịp với thế giới. Sữa nước chủ yếu là sữa hoàn nguyên, tức là sữa bột nguyên liệu nhập về để pha lại chứ không phải từ sữa tươi. Cách uống sữa của hàng triệu người Việt dường như đang có "vấn đề" dù lượng sữa bán ra liên tục tăng. Hướng khắc phục tỏ ra không đơn giản!
Chuyện có lẽ, có lẽ thôi, chỉ liên quan tới 2 mã chứng khoán trong khoảng 700 mã niêm yết tại hai sàn. Nhưng cái cách đặt vấn đề là khác nhịp về cách sản xuất, cách tiêu dùng thì cũng không khác gì những diễn biến của TTCK vài tuần qua.
Khi mà các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ như S&P 500, Dow Jones mỗi ngày lập một kỷ lục lịch sử về độ cao điểm số thì chứng khoán Việt Nam cũng sôi động không kém.
Nhưng đó chỉ là bề ngoài.
Khi mà thị trường sôi động, những gì quen thuộc cách đây 3 năm, tất cả đều tái hiện. Không biết có nên đáng lo không khi mà câu cửa miệng “oánh con gì, mua con nào” lại xuất hiện ở hầu hết các nhà đầu tư lớn hay ít tiền.
Một khảo sát thú vị đăng trong bài trang 8 - 9, số báo này cho thấy một hiện tượng khá thú vị, đó là trong 3 tháng gần đây, dòng tiền thị trường đổ vào 97 mã kết quả kinh doanh yếu kém tăng đột biến! Kết quả là, nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng hơn 100% so với mức đáy như VHG, SCl, TCM, KMR, PXA…
Các mã đầu cơ được “đánh lên” là một phần của thị trường. Nhưng, có tới 97 mã được đổ tiền vào để kéo giá, và thành công thì không còn là bình thường. Đó là chưa kể các mã làm ăn làng nhàng, không quá khó khăn, nhưng cũng không “rực rỡ” được đẩy giá từ 30 - 50% so với mức đáy.
Chiến thuật thị trường đều rõ: giữ bluechip, bơm xả xoay vòng các mã nhỏ không phải là xa lạ. Vấn đề này giai đoạn cuối 2009, đầu 2010 đã được nói đến rất nhiều. Biết bao câu hỏi được đặt ra như lực lượng nào có thể kéo đẩy cả thị trường?, bơm xả một cách nhịp nhàng hàng loạt mã cổ phiếu là ai làm ra được?…
Câu hỏi đó chưa có lời giải đáp, và bây giờ là tái hiện, dù thị trường chưa thực sự là đỉnh điểm sôi động như giai đoạn 2006 - 2007, hay đầu năm 2009.
Nếu nhìn vào quá khứ, sau những lần “sôi động” kích thích tâm lý kiếm tiền nhanh là biết bao tài khoản đóng cửa, và những thống kê từ các chuyên gia cho thấy chỉ có khoảng 5% nhà đầu tư thắng cuộc. Cách mà thị trường vận hành như vậy, không thể gọi là phát triển bền vững.
Thị trường chứng khoán dù không là “xới bạc” đỏ đen, nhưng nếu tiếp tục bài ca “hàng nóng” thì sự chuyên nghiệp vẫn còn là khái niệm xa vời.