Quỹ đầu tư 2.000 tỷ đồng từ Chính phủ
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng. Tại cuộc họp diễn ra đầu tháng 8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành.
Theo bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, về cơ bản, Dự thảo Nghị định đã được hoàn thiện. Dự thảo mới nhất gồm 8 chương, 58 điều, nhằm xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động của Quỹ; đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ. Đây là một trong 4 nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Dự thảo Nghị định, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Quỹ sẽ thực hiện rót vốn đầu tư vào các start-up với cơ chế cho vay, tài trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đồng thời tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điểm khác biệt của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với các quỹ đầu tư mạo hiểm khác là nguồn vốn từ ngân sách, do đó việc quản lý quỹ phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển quỹ. Đây là vấn đề lớn nhất khiến Nghị định đến nay chưa thể ban hành.
Theo Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay phải bảo đảm nguồn vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án; có khả năng hoàn trả vốn vay và đáp ứng được các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Cơ chế không theo kịp tốc độ khởi nghiệp
Các bộ, ngành trong quá trình xây dựng, góp ý Dự thảo Nghị định cũng đưa ra những băn khoăn về thẩm quyền, trách nhiệm ra quyết định cho vay, khi mà trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo luôn tiềm tàng có nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc chuyển kinh phí hay rút vốn của nhà đầu tư tại các dự án khởi nghiệp vẫn còn là bài toán giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, trong đó có cả Bộ Khoa học và Công nghệ.
“Rõ ràng, mục đích cốt lõi của Nghị định này là nhằm tạo điều kiện cho dòng tiền đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, cho ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam. Nhưng nếu việc kiểm tra, giám sát không được thực hiện một cách chặt chẽ thì sẽ là đem ngoại tệ ra nước ngoài”, ông Tùng phân tích.
Tốc độ phát triển của các dự án, công ty khởi nghiệp đang tăng lên nhanh chóng. Năm 2016 mới chỉ có 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp, năm 2017 con số này tăng lên gấp đôi, với 3.000 doanh nghiệp. Các khoản đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng tăng trên gấp đôi, từ 130 triệu USD (năm 2015) lên 291 triệu USD (năm 2017).
Chưa kể, theo ông Tùng, việc quỹ mạo hiểm, quỹ đầu tư khởi nghiệp có một chút yếu tố của ngân sách nhà nước, nếu có dự án thất bại thì người quản lý phần tiền của Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì quản lý không tốt, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Dưới góc nhìn chính sách, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành từng chia sẻ, khởi nghiệp sáng tạo sẽ tăng trưởng nhanh, nhưng đi cùng với đó là sự rủi ro lớn, bởi trọng tâm của khởi nghiệp chính là thị trường và trò chơi kinh doanh.
Trong khi Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn vướng mắc thì tốc độ phát triển của các dự án, công ty khởi nghiệp đang tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Tổ chức Topica Founder Institute, năm 2016 bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp còn sơ khai với 1.500 doanh nghiệp; năm 2017 con số này tăng lên gấp đôi, với 3.000 doanh nghiệp.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Đề án 844) cho biết, năm 2018 là năm có nhiều tin vui với hệ sinh thái khởi nghiệp, khi xuất hiện hàng loạt quỹ đầu tư lớn như: ESP Capital (20 triệu USD), Vina Capital (100 triệu USD), Quỹ Phát triển khoa học công nghệ (2.000 tỷ đồng), Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup (trên 300 triệu USD).
Bởi vậy, để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hưởng các chính sách ưu đãi và tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng, thuận lợi thì việc xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế tài chính đặc thù đang là điều hết sức cần thiết.