Nặng gánh xử lý nợ nần
Trong thời khắc đầu tiên của cuộc chuyển giao này, với những người trong cuộc, kỳ vọng lớn và lo lắng, thấp thỏm trước áp lực phải xử lý những vấn đề tồn tại ở các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đan xen nhau. Áp lực này là không hề nhỏ khi phần lớn trong tổng số 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về đều đang có "vấn đề” ở các mức độ và quy mô khác nhau.
Điểm qua danh sách này, có thể thấy, có tới 9 doanh nghiệp thua lỗ phải xử lý dứt điểm trước năm 2020 thuộc 6 tập đoàn trực thuộc Bộ Công thương, vốn được đánh giá là chiếm tỷ trọng vốn nhà nước nắm giữ lớn nhất.
Trong 5 doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải, chiếm tỷ trọng vốn nhà nước nắm giữ lớn thứ 2 sau Bộ Công thương, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại lễ bàn giao vừa qua, có tới 3 tổng công ty xếp vào loại “ca khó”, thách thức những nhân sự có năng lực chuyên môn giỏi nhất của Ủy ban.
Còn 5 doanh nghiệp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính người trong cuộc là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng phải thừa nhận, đa phần đều mới vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, cố gắng để bảo toàn vốn nhà nước và mới bắt đầu có lãi trở lại.
Bản thân SCIC cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc chậm chuyển giao vốn về nhà nước từ các doanh nghiệp, chưa kể những khó khăn ban đầu khi mới chuyển về mái nhà chung của Ủy ban dự báo sẽ phát sinh, khi quá trình phối hợp giữa hai mô hình cơ quan tương tự nhau nhưng lại đan xen trong nhau có thể chưa được suôn sẻ như mong đợi.
Trong bối cảnh này, theo đánh giá của các chuyên gia, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ phải đối mặt với khó khăn kép: vừa phải kiện toàn bộ máy nhân sự, vừa phải bắt tay ngay vào xử lý những tồn tại ngổn ngang nói trên của các doanh nghiệp chuyển về.
Thách thức trách nhiệm giám sát, giải trình
Một thách thức lớn khác với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế giám sát để đảm bảo quản lý vốn nhà nước hiệu quả hơn, cũng như tập trung quyền sở hữu gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình.
Dù đến nay, doanh nghiệp đã được bàn giao về Ủy ban, nhưng bộ, ngành chủ quản vẫn còn một số trách nhiệm quản lý ngành, trong đó có chức năng thanh tra, kiểm tra và phối hợp giám sát doanh nghiệp trong vai trò quản lý ngành.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc thực hiện các quy định về cơ chế hoạt động của Ủy ban phải đảm bảo nguyên tắc tập trung thẩm quyền và trách nhiệm trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần tránh sự chồng chéo giữa hoạt động giám sát thuộc chức năng chủ sở hữu với hoạt động thanh tra, kiểm tra của chức năng quản lý nhà nước, cùng với việc phối hợp không chặt chẽ, chia sẻ thông tin chưa đầy đủ giữa các cơ quan liên quan vừa tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, vừa giảm hiệu quả và hiệu lực giám sát của chủ sở hữu nhà nước.
Với khối lượng rất lớn tài sản nhà nước được “chọn mặt gửi vàng” cho Ủy ban, dư luận sẽ dõi theo hiệu quả của mô hình mới này. Trước khi Ủy ban được thành lập và ngay cả bây giờ, vẫn tồn tại ý kiến hoài nghi về cách thức tổ chức hoạt động, hiệu quả quản lý vốn tại các doanh nghiệp cũng như trách nhiệm giải trình của Ủy ban.
“Những hoài nghi về mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là có cơ sở. Nếu không thay đổi về cách thức thực hiện nhiệm vụ được giao, không có giải pháp hữu hiệu để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý so với mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay, thì chắc chắn việc thành lập Ủy ban sẽ không đạt mục tiêu”, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Đại diện CIEM, cơ quan chấp bút ngay từ đầu một trong những Nghị định xương sống cho cơ cấu tổ chức và cũng như cơ chế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng cho rằng, việc lập Ủy ban này chỉ là một bước khởi đầu của quá trình vận hành mô hình mới. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng cơ chế hoạt động để Ủy ban làm tốt hơn, hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay.