Trầy trật khu du lịch ngàn tỷ
Ghềnh Ráng là thắng cảnh nổi tiếng, nhưng sau 18 năm mang danh “khu du lịch”, khu đất hơn 168 ha nằm sát trung tâm TP. Quy Nhơn (Bình Định) này vẫn án binh bất động.
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bình Định khóa VIII ngày 8/12/2022, trước ý kiến của nhiều cử tri về việc Khu du lịch Ghềnh Ráng nhiều năm qua không đầu tư xây dựng, cải tạo, bị bỏ hoang, gây lãng phí quỹ đất, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về một số vấn đề liên quan đến dự án này, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết.
Lãnh đạo TP. Quy Nhơn cho biết, tháng 10/2003, Bộ Văn hóa - Thông tin đã chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng phục vụ du lịch, thắng cảnh Ghềnh Ráng kèm theo Dự án đầu tư Khu du lịch Ghềnh Ráng, bao gồm quy hoạch chung, mặt bằng tổng thể đồi Thi nhân, khu nhà trung tâm, cụm khu nhà nghỉ (bungalow).
Tháng 12/2004, UBND tỉnh Bình Định cho Công ty Sài Gòn - Quy Nhơn thuê đất để xây dựng Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn I), hợp đồng thuê đất thời hạn 30 năm. Tuy nhiên, đến nay, công ty này mới xây được một hạng mục.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định cho biết, quan điểm của địa phương là, cùng với quá trình rà soát, nếu phát hiện Dự án du lịch nào chưa phù hợp, sẽ đề xuất UBND tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch hoặc dừng triển khai đối với các vị trí, khu vực có địa hình không thuận lợi, nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Hồ sơ cho thấy, tháng 10/2012, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định kiểm tra thực tế các hạng mục xây dựng tại Dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng và phát hiện, phòng ăn VIP được xây dựng trên diện tích quy hoạch bungalow. Trước khi xây dựng, chủ đầu tư chưa có tờ trình xin chuyển đổi công năng giữa hai hạng mục này.
Ngoài ra, hệ thống nước thải được nhập chung với hệ thống nước thải của Nhà hàng Hoàng Hậu, phòng VIP xây dựng không che chắn. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định xác nhận, hạng mục trên xây dựng trái quy hoạch, không phép.
Tại cuộc kiểm tra này, thanh tra ngành du lịch cho biết, nhà đầu tư mới chỉ xây dựng một số hạng mục như nhà hàng, đường đi, hạ tầng chung... để khai thác du lịch. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã có các văn bản đôn đốc nhà đầu tư đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định nhiều lần ra văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành liên quan làm việc với Công ty Sài Gòn - Quy Nhơn về việc triển khai dự án, báo cáo kết quả để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Ngày 1/12/2020, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động Dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng giai đoạn I.
Đối với giai đoạn II của Dự án (có diện tích 1.534.334 m2), nhà đầu tư cũng không triển khai. Vì vậy, tháng 10/2012, UBND tỉnh Bình Định có văn bản về việc thu hồi chủ trương đầu tư Dự án. Đến tháng 9/2014, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Dự án. Tuy nhiên, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và chưa được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất.
Vì vậy, tháng 11/2020, UBND tỉnh Bình Định có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa Dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng vào Danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khác.
Ngổn ngang loạt dự án du lịch ven Quốc lộ 1D
Tuyến đường ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu dọc Quốc lộ 1D dài hơn 33 km nối liền hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Theo đồ án quy hoạch điều chỉnh 1/2.000, dọc tuyến này có tổng cộng 19 điểm du lịch, với tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 300 ha.
Đầu tháng 8/2022, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương rà soát quy hoạch dự án, khu du lịch dọc tuyến du lịch - dịch vụ Quy Nhơn - Sông Cầu. Việc rà soát nhằm đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch, dừng triển khai thực hiện đối với các dự án chưa triển khai hoặc chưa có chủ trương đầu tư.
“Qua rà soát, nếu cơ quan chức năng phát hiện dự án nào chưa phù hợp, thì tham mưu đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch hoặc dừng triển khai đối với các vị trí, khu vực có địa hình không thuận lợi, nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường”, ông Hoàng yêu cầu.
Sau thời gian rà soát, Sở Xây dựng Bình Định ghi nhận, trong 26 điểm du lịch dọc Quốc lộ 1D, mới có 4 điểm đã hoàn thành, đưa vào hoạt động. Trong các dự án này, 19 điểm du lịch đã có nhà đầu tư, 6 điểm du lịch chưa có nhà đầu tư và một dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Từ kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng Bình Định đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch phân khu điểm du lịch 8C-1 đến 8C-5 với diện tích hơn 32,2 ha và phần còn lại của điểm số 10B (bao gồm đảo Hòn Rớ) với diện tích hơn 8 ha. Sở cũng đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch phân khu một phần điểm 9H-7, 9H8 và 9H-10 (phía Bắc Khu du lịch Casa Marina phần mở rộng).
Sau khi rà soát 6 điểm du lịch chưa có nhà đầu tư, đoàn thanh tra của Sở Xây dựng đề xuất đưa 3 điểm ra khỏi quy hoạch phân khu. Một điểm du lịch khác được đề xuất giao UBND TP. Quy Nhơn thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch khu dân cư tại vị trí phù hợp để bổ sung quỹ đất ở khu vực 1 phường Ghềnh Ráng và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại khu vực với quy mô gần 44,5 ha.