Kỷ nguyên của tàu tốc hành
Doanh nhân Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC bắt đầu câu chuyện đầu Xuân với chúng tôi bằng một cách tiếp cận trực diện. Có lẽ, đi thẳng vào vấn đề là thói quen chung của những người làm công nghệ, nhanh gọn và luôn nhắm vào cái cốt lõi nhất.
Cách mạng 4.0 gần đây đã được đề cập nhiều, nhưng cái cốt lõi mà ông Chính muốn nhấn mạnh trong câu chuyện chung của kỷ nguyên công nghệ nằm ở thế giới số. Nhìn một cách cụ thể, thì thế giới số hiện có thể coi là một phần của cuộc sống hiện đại. Chúng ta đang sống trong thế giới “2 trong 1” và phần liên quan đến thế giới số sẽ ngày càng lớn hơn, đó là xu thế không thể khác. Cả thế giới nhìn nhận sự tồn tại và bùng nổ của thế giới số bao gồm cơ hội rất lớn (tất nhiên có cả thách thức).
Để kiểm soát những mặt tiêu cực, chúng ta phải có đủ hành trang và sẵn sàng đồng hành với nó, như những vấn đề sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, quyền riêng tư…
Đương nhiên, với nhãn quan của một người vừa dày dạn kinh nghiệm thương trường, vừa là một người xuất thân khoa học, ông Chính nhìn thấy rất rõ ràng cơ hội, trước hết là cơ hội cho những doanh nghiệp làm công nghệ, sau đó là cơ hội cho mọi người, kể cả những người nông dân.
Riêng với CMC thì đã quá rõ. Điều mà ông Chính đang nhìn vào không chỉ là truyền thống của một doanh nghiệp công nghệ 25 năm, cũng không chỉ dừng ở một thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân. Thế giới của cuộc cách mạng số là một thế giới không biên giới, một thế giới mà mọi cục diện, mọi trật tự đều có thể xoay chuyển rất nhanh.
Với nhãn quan của một người vừa dày dạn kinh nghiệm thương trường, vừa có xuất thân khoa học, ông Chính nhìn thấy rất rõ ràng cơ hội, trước hết là cơ hội cho những doanh nghiệp làm công nghệ, sau đó là cơ hội cho mọi người.
Ví dụ, Amazon từ một “tay mơ” trong lĩnh vực công nghệ, trước chủ yếu làm thương mại điện tử, bán sách online, nhưng giờ các hãng công nghệ đều phải dè chừng vì họ đang mở ra một dạng hệ sinh thái nền tảng và đang trở thành phương tiện, công cụ cạnh tranh trên toàn cầu. Tương tự, Google, Facebook… cũng vậy, các hệ sinh thái này có quy mô lớn hơn cả một quốc gia.
Các công ty từ nước ngoài, thông qua môi trường điện toán đám mây, có thể tiếp cận thị trường Việt Nam. Do vậy, không nói gì đến các ngành dịch vụ truyền thống (taxi, bán hàng truyền thống…), mà ngay cả các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ cũng có thể bị tụt hậu, thậm chí thua ngay trên sân nhà nếu không theo kịp guồng quay nghiệt ngã này.
Cơ hội từ thị trường toàn cầu
Cuộc chơi hà khắc là vậy, nhưng không phải là không có “cửa” cho người Việt, thậm chí trên một bình diện lớn hơn: khai thác thế giới.
“Tại sao không nghĩ đến một nguồn tài nguyên với quy mô thị trường hơn 7,5 tỷ dân trên toàn cầu, mà chỉ loanh quanh với thị trường gần 100 triệu dân trong nội bộ Việt Nam?”, ông Chính đặt vấn đề.
Đây là một bài toán khó, nhưng không phải là không có lời giải. Trong môi trường biến đổi từng ngày của thế giới số, sẽ có rất nhiều cơ hội cho những “chú bé hạt tiêu” đi sau. Khi xuất hiện những sự thay đổi, doanh nghiệp càng lớn, càng khó xoay sở; doanh nghiệp càng nhỏ sẽ càng linh hoạt, quan trọng là có nắm bắt được xu thế và cơ hội hay không.
Nhìn trên bình diện thế giới, sự soán ngôi của Apple và Samsung để lật đổ “đế chế” Nokia trong lĩnh vực điện thoại di động có thể là một ví dụ cho thấy, thế giới là sự biến đổi không ngừng. Sự biến đổi sẽ ngày càng diễn ra nhanh hơn trên con tàu siêu tốc của kỷ nguyên số.
Nói như vậy không có nghĩa là, doanh nghiệp Việt “mơ mộng” sẽ lần lượt soán ngôi hết “ông lớn” này đến “ông lớn” khác trên cuộc đua toàn cầu, nhưng việc chiếm được một chỗ đứng trong các hệ sinh thái chung để vươn ra thế giới là hoàn toàn có thể. Không doanh nghiệp lớn nào có thể tự làm từ A đến Z, trong lĩnh vực nào cũng vậy. Một chiếc máy bay Boeing hay một chiếc ô tô Toyota đều có sự góp mặt của hàng trăm nhà cung cấp khác nhau.
“Trong một hệ sinh thái công nghệ toàn cầu cũng vậy, người Việt có thể tham gia cuộc chơi với vai trò là một phần của hệ sinh thái là hoàn toàn khả thi”, ông Chính khẳng định.
Có nhiều cách khác nhau để vươn ra thị trường thế giới. Ví dụ, CMC đã có thể cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho khách hàng ở Anh, Đan Mạch, Nhật Bản… Thị trường thế giới vẫn còn rất nhiều khoảng trống mà chúng ta không thể ngờ tới.
Ví dụ, Nhật Bản đang trong tình trạng thiếu lao động trầm trọng, họ cần rất nhiều sản phẩm công nghệ thay thế sức lao động. Điều thú vị là, ở Nhật Bản không có phần mềm chống virus thương mại do chính người Nhật tự gây dựng nên, còn ở Việt Nam thì đang có tới 3 công ty làm việc này. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một ngày có thể mang dịch vụ an toàn thông tin đến cho họ?
Về chuyên môn, người Việt có đủ trình độ làm được những việc này, bằng chứng là Việt Nam có đại diện là Giám đốc Hiệp hội Quốc tế phòng chống mã độc AVAR. Đó là ví dụ ông Chính rút ra từ kinh nghiệm của CMC, các lĩnh vực khác đều có thể có những câu chuyện tương tự.
Câu chuyện hàng handmade
Trong thời đại công nghệ, người ta thường nghĩ công nghệ là “kẻ thù” của những thứ có tính cổ điển. Những mô hình kinh tế đã tồn tại một giai đoạn trong xã hội, được tạm gọi là truyền thống (kiểu như taxi truyền thống) còn đang bên bờ vực bị đào thải bởi sức bùng nổ của công nghệ, nói gì đến những thứ cũ kỹ, cổ điển hơn.
Thế nhưng, dòng chảy của nhịp sống công nghệ vẫn có những mạch sống riêng và cơ hội cho người Việt trong cuộc chơi toàn cầu rộng mở đến từng cá nhân, chứ không phải chỉ là cuộc chơi dành riêng cho các doanh nghiệp hay một vài công ty công nghệ.
Ông Chính đã trực tiếp đi phỏng vấn từng nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống, từng người nông dân… và trong ông cũng đã hình thành một bức tranh tương đối khái quát về một con đường cho hàng thủ công và nông sản Việt.
Ông cho biết, không ít gia đình làng nghề truyền thống của Việt Nam đã tiếp xúc với các đối tác lớn để bán sản phẩm ra thế giới. Quy mô các đơn hàng của họ rất đa dạng, từ đơn lẻ đến nhiều container…
Việc bưởi Năm Roi hay gốm Bát Tràng bán khắp thế giới là trong tầm tay và chúng ta có quyền tự tin về những giá trị truyền thống sẽ bừng sáng với sự hỗ trợ của công nghệ. Sức mạnh của thế giới số có thể làm cho mọi thứ trở nên sòng phẳng và điều đáng quan tâm nhất là chúng ta có thực sự có những thứ đáng giá để thế giới phải quan tâm hay không.
2018 là năm thành công của ngành nông nghiệp khi xuất khẩu nông sản vượt kỷ lục 40 tỷ USD, tăng trưởng 9,6%. Ông Chính khẳng định, đó là một tin vui cho ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn còn dư địa lớn hơn nhiều, nếu tiếp tục khai thác tối đa những lợi thế mà nền tảng công nghệ mang lại.
Cuộc chu du trong thế giới số có thể còn rất dài và có nhiều thứ thú vị cho bất cứ ai có khát vọng muốn khám phá. Câu chuyện nhỏ về hàng handmade hay vài nét về nông sản chỉ là một góc nhỏ bé trong một không gian đầy màu sắc đó.
Một vài điều mà doanh nhân Nguyễn Trung Chính trao đổi với chúng tôi trong buổi trà dư tửu hậu có thể chưa thể gói hết được toàn cảnh bức tranh cho người Việt trong cuộc hòa nhập thế giới số toàn cầu, nhưng ít nhiều cũng truyền cảm hứng cho từng cá nhân nhỏ bé nhất, để họ tin rằng, mình hoàn toàn có cơ hội tung hoành trong cuộc chơi lớn của nhịp sống số.
Hệ sinh thái nền tảng mở cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Trung Chính nói về kỷ nguyên số như một bầu trời cơ hội, rõ rệt với mọi ngành nghề, mọi cá nhân và tổ chức.
Sau khi điện toán đám mây đã trở nên phổ biến, dấu mốc tiếp theo sẽ là dấu ấn của trí tuệ nhân tạo với các thiết bị xử lý hàng ngàn thao tác cùng một lúc, có khả năng phân tích dữ liệu lớn một cách thông minh và hiệu quả.
Trong thế giới phẳng và nền kinh tế tri thức ngày nay, mọi người kinh doanh (từ cấp độ lớn như một tập đoàn, đến nhỏ bé như một cá nhân kinh doanh) đều có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ nếu biết khai thác hệ sinh thái cộng sinh tự cân bằng và cùng phát triển.
Vì thế, ông Chính và CMC đang mong muốn xây dựng một hệ sinh thái nền tảng mở cho doanh nghiệp - CMC Open Platform Ecosystems for Enterprises (CMC OPEN), nơi tất cả khách hàng, đối tác của CMC có thể tìm thấy giải pháp công nghệ phù hợp, cùng chia sẻ giá trị và cùng phát triển.