Từ chỗ như một “nàng công chúa ngủ quên”, trong thời gian gần đây, Hoà Bình bất ngờ nổi lên như một “miền đất hứa” với các nhà đầu tư bất động sản khi liên tục thu hút được những nhà đầu tư lớn, trong đó có cả những nhà đầu tư nước ngoài sừng sỏ.
Từ Vingroup, Geleximco, T&T Group, FLC đến Phú Mỹ Hưng đều đã có mặt ở vùng đất giáp với phía Tây của Hà Nội. Phú Mỹ Hưng đã mua lại dự án 405ha để phát triển một khu đô thị sinh thái; FLC đề xuất hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư 36.000 tỷ đồng; T&T Group nhắm tới 7 dự án đô thị và nông nghiệp; trong khi Geleximco âm thầm thâu tóm 2 dự án khu đô thị nghìn tỷ thông qua đấu thầu.
Không phải ngẫu nhiên hình thành một làn sóng đầu tư mới đổ về Hoà Bình. Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội và TP. HCM đang lùng sục cơ hội đầu tư ở các tỉnh, thành phố cấp hai, nơi có nhiều tiềm năng nhưng thị trường bất động sản chưa được khai thác.
Mấy năm qua, thị trường bất động sản các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang đều sôi động do xu hướng đầu tư này, và Hoà Bình cũng không phải là ngoại lệ.
Hiện tại, Hoà Bình chưa có khu đô thị nào được quy hoạch đồng bộ và tiện ích khép kín được xây dựng, và đây chính là dư địa lớn mà những doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược như Phú Mỹ Hưng, T&T Group và Geleximco không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, từ những động thái của những doanh nghiệp lớn, dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt trong dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Hoà Bình so với các tỉnh lân cận khác của Hà Nội.
Ở Bắc Ninh hay Bắc Giang, các dự án bất động sản chủ yếu giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân địa phương, trong đó phương thức phân lô bán nền là chủ yếu. Nhưng ở Hoà Bình chỉ có một ít dự án mới nhắm đến nhu cầu của người dân địa phương, còn đa số dự án được phát triển theo hướng là đối trọng với các khu đô thị đông đúc ở Hà Nội.
Hầu như tất cả các dự án bất động sản ở Hoà Bình của FLC, Geleximco, Phú Mỹ Hưng hay T&T đều gắn với yếu tố sinh thái và du lịch, với mục tiêu tạo ra môi trường sống và nghỉ dưỡng cao cấp cho người dân Thủ đô và du khách.
Xu hướng này không khó lý giải bởi Hoà Bình có lợi thế là nằm sát Hà Nội, giao thông đi lại thuận tiện và cảnh quan sinh thái thiên nhiên phù hợp với phát triển du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô.
“Mỏ vàng” bất động sản nghỉ dưỡng ven đô
Nếu như mấy năm qua là thời kỳ bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng biển, thì với sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn, Hoà Bình đang nổi lên là điểm đến đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ven đô có sức hút mạnh mẽ.
Thực tế, nhu cầu nghỉ dưỡng ở ngoại ô đã và sẽ vẫn tăng mạnh cùng với sự tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm môi trường và số lượng ô tô cá nhân ngày càng nhiều.
Sức ép công việc cộng với không khí ngột ngạt ở đô thị lớn có dân số gần chục triệu người như Hà Nội khiến nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng trở thành “món ăn hàng ngày” nhưng không phải ai cũng dễ dàng thu xếp thời gian và chi phí để đi du lịch biển.
Lợi thế của du lịch ven đô là thời gian di chuyển ngắn, đi lại bằng ô tô thuận tiện, không cần quá nhiều hành lý và quan trọng hơn là chi phí thấp hơn và dễ dàng hơn nên những điểm đến cạnh Hà Nội sẽ là “mỏ vàng” để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.
Trong những tỉnh vùng ven, Hoà Bình nổi lên như một điểm đến sáng giá nhất thoả mãn nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại ô của người dân thủ đô.
Lý do là vì Hoà Bình có hệ thống cảnh quan sinh thái đặc sắc ngay cận kề Hà Nội, với những địa danh lý tưởng cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái như núi Viên Nam, lòng hồ Hoà Bình, suối khoáng nóng Kim Bôi cùng những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường và Thái.
Trong những tỉnh vùng ven, Hoà Bình nổi lên như một điểm đến sáng giá nhất thoả mãn nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại ô của người dân thủ đô.
Đặc biệt, với cảnh quan đặc sắc với nhiều đảo nhỏ trong lòng hồ cùng hệ thống hang động, văn hoá phong phú, Chính phủ cũng đã phê duyệt khu du lịch lòng hồ Hoà Bình là khu du lịch quốc gia.
Hạ tầng giao thông thay đổi nhanh chóng cũng là liều thuốc kích thích để bất động sản nghỉ dưỡng Hoà Bình bùng nổ. Tuyến đường nối Đại lộ Thăng Long với thành phố Hoà Bình thông xe năm ngoái đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến trung tâm Hoà Bình xuống còn 1 tiếng.
Bên cạnh đó, cầu Văn Lang đã hoàn thành, kết nối Hoà Bình với Phú Thọ, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 22.000 tỷ đồng để xây dựng đường cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu, từ đó mở toang cánh cửa đưa Hoà Bình trở thành một trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc và cận kề Hà Nội.
Hoà Bình cũng đang đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông để khai thác hiệu quả khu du lịch quốc gia lòng hồ Hoà Bình. Trong đó, tỉnh đang nâng cấp và mở rộng tuyến đường 433 và 435 nối thành phố Hoà Bình với Bình Thanh, và nối Bình Thanh với Thung Nai và Ngòi Hoa. Cho đến nay, khu du lịch đã thu hút được 7 nhà đầu tư nghiên cứu, thực hiện dự án đầu tư với tổng diện tích hơn 1.700ha.
Nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô lớn, hệ thống giao thông thuận tiện, cảnh quan và văn hoá đặc sắc nhưng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng mới sơ khai nên dễ hiểu tại sao các đại gia bất động sản đổ xô về Hoà Bình.