Ngoại giao Việt Nam với những chuyển động mạnh mẽ

Năm 2024, ngoại giao Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn qua những thành tựu nổi bật, với các bước tiến lớn trong quan hệ đa phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ và khẳng định vị thế quốc tế.
Phiên họp ngày 24/12 (giờ New York, Hoa Kỳ) thông qua Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng (Công ước Hà Nội). Ảnh: Bộ Ngoại giao

Duy trì bền vững quan hệ với các đối tác

Những ngày cuối năm, Việt Nam đón nhận tin vui khi Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng tại New York (Hoa Kỳ). Đặc biệt, Lễ ký Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng (Công ước Hà Nội) sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2025, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu.

“Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai lễ ký một công ước của Liên hợp quốc, đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi thông tin trên được công bố.

Đây là kết quả và là minh chứng sống động cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, được Việt Nam thực hiện xuyên suốt thời gian qua cũng như trong năm 2024.

“Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh quyết liệt, nhưng chúng ta tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và các nước lớn được duy trì bền vững”, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ nhận định.

Trả lời báo chí ngày 26/12, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong năm 2024, các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã tiến hành 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm các nước, dự hội nghị đa phương và đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam.

Điểm nhấn quan trọng trong năm 2024 có thể kể đến là chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới Hoa Kỳ vào tháng 9, tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu như Apple, Meta, Google… đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển giao công nghệ và phát triển các lĩnh vực đổi mới sáng tạo như AI, chuyển đổi số và Internet vạn vật (IoT). Những cơ hội này không chỉ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, mà còn đặt nền móng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường đến Chile và Peru tháng 11 đã thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, đặc biệt trong khung khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Brazil đã nâng quan hệ Việt Nam - Brazil lên đối tác chiến lược, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn. Brazil sẽ trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ La-tinh cũng như Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán một hiệp định thương mại tự do với khối này.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Singapore khẳng định quyết tâm thúc đẩy đầu tư trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi nước, tạo đột phá trong các lĩnh vực tăng trưởng mới, như logistics xanh, xây dựng trung tâm dữ liệu, sản xuất chip bán dẫn, năng lượng sạch, tín chỉ carbon, an ninh lương thực, tài chính xanh…

Nâng tầm quan hệ, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia. Đồng thời, tiếp tục củng cố và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác chủ chốt như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Những nỗ lực này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực chiến lược.

Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia năm 2024 giúp Việt Nam mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc mở rộng quan hệ hợp tác với Australia không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển. Hai nước có nhiều lợi thế bổ sung lẫn nhau và sự hợp tác giữa hai quốc gia có thể tạo ra một nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Bên cạnh những trụ cột hợp tác then chốt, thì các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu tiếp tục là trọng tâm hợp tác thời gian tới. Lãnh đạo hai nước nhiều lần cam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm và triển khai các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực này.

Đối với Pháp, nâng cấp quan hệ tạo động lực để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ hạt nhân, chuyển đổi năng lượng, giao thông đô thị và đường sắt. Ngoài ra, hai bên còn hướng tới mở rộng hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh và kinh tế số - những lĩnh vực có tiềm năng lớn trong việc hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.

Với Malaysia, thực hiện Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia sẽ thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu và hạn chế áp dụng các rào cản thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD và cao hơn, theo hướng cân bằng và cùng có lợi, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong các ngành công nghiệp quan trọng, mang tính quyết định về các vấn đề địa chiến lược và địa kinh tế khu vực và toàn cầu, bao gồm bán dẫn, năng lượng xanh và kinh tế kỹ thuật số.

Thành tựu từ ngoại giao kinh tế

Lễ ký Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng (Công ước Hà Nội) sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2025, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu.

Bộ Ngoại giao cho biết, ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế chung của đất nước. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mốc kỷ lục mới là 800 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới. Trong 11 tháng của năm 2024, Việt Nam đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông, đặc biệt với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Hoạt động ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, đổi mới sáng tạo… được thúc đẩy với các đối tác chủ chốt, các tập đoàn lớn. Trong đó, các tập đoàn Apple, Intel, Google, NVIDIA, Samsung, Cadence, LG, Qorvo, Marvell, Siemens… đã đầu tư, mở rộng đầu tư và hợp tác với Việt Nam. Đến nay, Apple đã hoàn tất chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Intel mở rộng giai đoạn II nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM. Google đang mở rộng đào tạo kỹ năng tại Việt Nam để tăng cường hợp tác về AI. Tập đoàn NVIDIA đã ký với Chính phủ Việt Nam thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Tiếp theo, Trung tâm R&D của Samsung, LG cũng dự kiến khai trương trung tâm R&D thứ 3 tại Việt Nam…

Cũng theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.

Việc tăng cường hợp tác kinh tế đa phương mở đường lớn để Việt Nam khẳng định vững chắc vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Năm 2024 chứng kiến các bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ chiến lược, đặc biệt tại các diễn đàn đa phương lớn như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)…

Những đề xuất và sáng kiến của Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị toàn cầu và chuỗi cung ứng bền vững, góp phần định hình trật tự kinh tế khu vực và toàn cầu theo hướng cởi mở và bền vững.

Thông qua các hoạt động đa phương, hình ảnh Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng hợp tác và đóng góp cho các vấn đề toàn cầu đã được củng cố, tạo dựng niềm tin và thu hút sự quan tâm từ các đối tác.

Đặt kế hoạch cho công tác ngoại giao kinh tế năm 2025, Bộ Ngoại giao cho rằng, cần đẩy mạnh nội dung ngoại giao kinh tế trong các hoạt động đối ngoại cấp cao năm 2025 nhằm giữ đà, đẩy mạnh hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, đối tác quan trọng và mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng.

Đồng thời, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư, lao động, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế số là trọng tâm, đột phá của ngoại giao kinh tế thời đại mới.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục