Ngoại giao nhân dân: Sức mạnh kết nối những trái tim

Nếu ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế vừa phải khéo léo, quyết đoán, nhưng cũng phải tỉnh táo, thì ngoại giao nhân dân lại chỉ cần duy nhất sự chân thành.
Ngoại giao nhân dân: Sức mạnh kết nối những trái tim

1 “Sự chân thành chính là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để kết nối trái tim con người bất kể quốc gia, dân tộc nào. Đó là bài học lớn nhất mà tôi đã học được từ nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và áp dụng thành công trong suốt mấy chục năm làm công tác đối ngoại nhân dân”, Chủ tịch Hội liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng mở đầu câu chuyện về ngoại giao nhân dân cũng giản dị như chính bài học kinh nghiệm của ông.

Năm 2013, ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế đạt được những thành công vượt trội với việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với một loạt quốc gia, tạo dấu ấn tại các diễn đàn song phương và đa phương, góp phần xác lập vị thế Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các nước lớn và láng giềng.

Ồng Hồng bảo, nếu ví thành công của ngoại giao năm 2013 như một cột trụ đưa Việt Nam lên đỉnh cao mới, thì ngoại giao nhân dân là một trong những thanh giằng quan trọng, cùng với ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, tạo thêm thế đứng vững chắc của ngoại giao Việt Nam.

Năm 2013, ông đã tháp tùng lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong hàng chục chuyến công du quan trọng, cũng như góp mặt trong các sự kiện đón tiếp rất nhiều nguyên thủ các nước tới thăm Việt Nam. Và trong tất cả các sự kiện ấy, song hành với các cuộc gặp gỡ, thảo luận chính trị, chính sự dung dị, thân thiết, đời thường của các hoạt động ngoại giao nhân dân đã cùng lãnh đạo cấp cao Việt Nam xây dựng một hình ảnh Việt Nam vô cùng gần gũi, thân thiện trong mắt bạn bè thế giới.

“Trong chuyến tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sang thăm Nga, Đức và Ba Lan hồi đầu năm 2013, tôi vẫn nhớ những cuộc gặp gỡ rất ý nghĩa với rất nhiều lãnh đạo cao cấp của ba quốc gia này”, ông Hồng nhớ lại.

Ý nghĩa bởi hầu hết trong số các lãnh đạo cấp cao của cả Nga, Đức và Ba Lan mà ông đã tiếp xúc đều là những người từng có một thời cống hiến hết mình cho phong trào đoàn kết, phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa họ giống như một cuộc hội ngộ giữa những người bạn thân thiết từ lâu. Với vị trí lãnh đạo quan trọng tại thượng viện và hạ viện, những người bạn Nga, Ba Lan đã thêm một lần nữa khẳng định nỗ lực hết mình tiếp tục gắn kết quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.

2: Sự gần gũi, mối liên kết đặc biệt giữa hai dân tộc đã bình dị hóa cả cách ứng xử của những nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Nga như Tổng thống V.Putin và Thủ tướng D.Medvedev không chỉ tại các cuộc giao lưu nhân dân, mà cả trong những cuộc tiếp xúc ngoại giao đồng cấp với lãnh đạo Việt Nam.

Năm 2013 đã là lần thứ ba Tổng thống Nga V.Putin tới Việt Nam, nhưng nhiều người vẫn chưa quên lần đầu tiên ông tới Việt Nam năm 2000. Sau cuộc giao lưu với những cán bộ từng học tập, làm việc tại Nga, Tổng thống Putin đã nói rằng: “Có một dân tộc mà các cuộc gặp gỡ của tôi không thể nào đạo diễn được. Đó là các đồng chí Việt Nam”.

Việc Tổng thống V.Putin nhắc lại từ “đồng chí” mà bấy lâu nay ông ít sử dụng cho thấy tình cảm đặc biệt mà người đứng đầu Chính phủ Nga dành cho Việt Nam.

Cuộc giao lưu năm 2010 của Tổng thống Nga D.Medvedev với các du học sinh Nga nhân chuyến thăm của ông tới Việt Nam cũng là một sự kiện sẽ lưu dấu ấn sâu sắc trong mối quan hệ truyền thống Việt – Nga.

Suốt 4 tháng trời, tốn rất nhiều công sức, ông Hồng mới tìm ra được một nhân vật đặc biệt cho buổi giao lưu. Đó là con trai của một cán bộ từng du học tại Nga đã mất, mà giáo viên hướng dẫn luận văn tiến sỹ của ông chính là cha của Tổng thống Medvedev. Sự xuất hiện của chàng thanh niên cùng bức ảnh bố cậu chụp chung với người cha của Tổng thống Medvedev đã khiến ông nín lặng trong giây lát khi cố kìm nén cảm xúc trước công chúng.

Tổng thống Medvedev lúc ấy đã nói rằng: “Hôm nay, tôi là người hạnh phúc nhất ở đây, khi đứng tại đất nước các bạn, được các bạn nói với tôi bằng ngôn ngữ của tôi, trò chuyện với tôi bằng chính lịch sử của tôi, để tôi được gặp những người học trò yêu quý của cha”.

Cuộc gặp đã phá vỡ lịch phát sóng trực tiếp của Đài truyền hình Việt Nam khi kéo dài tới hơn 6 tiếng đồng hồ, khi vị Tổng thống quyền lực nhất nhì thế giới đã không thể rời đi trước tấm lòng người dân Việt Nam dành cho ông và cho nước Nga. “Chỉ có mối quan hệ nhân văn giữa con người với con người mới làm được những kỳ tích như vậy”, ông Hồng nhớ lại.

Không chỉ với những người bạn Nga, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông tới thăm Việt Nam hồi tháng 1/2013, những câu chuyện về cậu bé nghèo đạp xe từ Hòa Bình lên tận Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội chỉ để góp 20.000 đồng ủng hộ người dân Nhật Bản vượt qua thảm họa động đất, sóng thần năm 2011; hay phong trào quyên góp ủng hộ mạnh mẽ trên khắp các tỉnh, thành phố, bất chấp việc người dân Việt Nam cũng đang hứng chịu nhiều thiệt hại to lớn vì thiên tai, bão lũ, không chỉ gây xúc động với Thủ tướng Shinzo Abe, mà còn có sức mạnh lay động lòng người, khiến người dân Nhật Bản ghi nhớ sâu sắc tấm chân tình của đất nước, con người Việt Nam.

Giờ đây, trên khắp nước Nhật đang lan rộng phong trào thành lập các liên minh hữu nghị ở từng thành phố, với nòng cốt là các doanh nhân thành đạt, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế với Việt Nam. Người dân, nền kinh tế và Chính phủ Nhật Bản dù đang chịu nhiều áp lực từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, cũng như dư địa từ những hậu quả của động đất, sóng thần, nhưng vẫn cam kết là một trong những đối tác, bạn hàng, nhà viện trợ lớn nhất cho Việt Nam.

3“Trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2013), chúng tôi cũng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các cựu chiến binh Mỹ và cựu chiến binh Việt Nam dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang”, ông Hồng cho biết.

Những cựu chiến binh một thời ở hai đầu chiến tuyến từng chĩa súng vào nhau, nay cùng ngồi lại, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho hai nước, hai dân tộc. Dẫu khi bắt đầu, vẫn không hiếm những ánh mắt hằn học từ một số cựu binh Mỹ, nhưng sau những câu chuyện sẻ chia về những mất mát, về nỗi đau mà cuộc chiến phi nghĩa ấy đem lại, những ánh mắt thù địch đã dần mất đi, thay vào đó là những giọt nước mắt, những cái bắt tay nồng ấm với các cựu binh Việt Nam.

“Hiếm có một dân tộc nào mà sau mỗi cuộc chiến tranh, lại có thể nhẹ lòng gạt bỏ hận thù để biến thù thành bạn như Việt Nam. Chính những điều đó càng khiến các cựu binh Mỹ muốn thay đổi, muốn tìm mọi cách giúp đỡ, bù đắp cho người dân những xóm làng nghèo nơi xưa họ đã xả súng, dội bom”, ông Hồng nói.

Những sự kiện ngoại giao nhân dân như vậy đã biến rất nhiều cựu binh, người dân Mỹ thành những nhà hoạt động nhân đạo mạnh mẽ, đang hàng ngày trợ giúp Việt Nam thông qua 300 tổ chức phi chính phủ, tài trợ cho Việt Nam khoảng 150 triệu USD mỗi năm.

“Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng tựu trung, dù ở quốc gia nào, dân tộc nào, từng là những người bạn thân thiết hay vốn là kẻ thù, khi chúng ta đến với họ bằng tình cảm chân thành, với ý định tốt đẹp hướng tới mối quan hệ hữu hảo, sự thân tình sẽ ngày càng được thắt chặt, còn tất cả khúc mắc, thù hận sẽ đều được hóa giải. Sức mạnh của tiếng nói từ trái tim tới trái tim của ngoại giao nhân dân sẽ tiếp tục cùng góp sức vào ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Hồng tự hào.

Phan Long

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục