Phố nhỏ, ngõ nhỏ
Ngõ và hẻm dường như là một nét đặc trưng tiêu biểu của đô thị Việt Nam. Ở đâu có phố là ở đó có ngõ, có hẻm. Những con ngõ ở Hà Nội hình thành từ thời xa xưa và thường có chung đặc điểm là hẹp, đôi khi chỉ rộng đủ cho một người đi.
Có lẽ, do ngày đó, kinh tế chưa phát triển, nhịp sống chậm, ít phương tiện giao thông, con người đi bộ là chính, nên đâu cần ngõ rộng.
Thực sự, tôi thích ở trong ngõ hơn là ngoài đường. Tuy hơi chật chội một tí, nhưng yên tĩnh. Tôi cũng chẳng kinh doanh, buôn bán gì, mà phải chường mặt ra phố để hít bụi và đón tiếng ồn. Mỗi ngày đi làm ở trung tâm thành phố, phải đối diện với sự đông đúc của người và các phương tiện giao thông đến nhức đầu, inh tai đã là quá đủ rồi.
Ngõ nơi tôi đang sinh sống tuy nhỏ nhưng cũng nằm trong một khu phố tấp nập suốt từ sáng đến tối. Cái ngõ như xương sống chạy dọc khoảng 20 lô đất. Đầu ngõ là một tòa nhà cao 5 tầng dùng cho sinh viên thuê trọ. Mỗi buổi chiều về đây, tôi đều có thể bỏ lại tất cả ồn ào, bụi bặm bên ngoài. Cơm nước xong xuôi là lòng tôi lại dịu nhẹ và thanh thản vô cùng.
Căn nhà tôi mua cũng khá rộng, với chiều ngang 4 m, sâu chừng 13 m. Ngôi nhà của tôi ban đầu có hình dáng đơn giản, thoáng nhìn từ xa trông có vẻ tối tăm do bên ngoài có nhiều rào chắn, lưới mắt cáo để có sự an ninh và riêng tư. Tuy nhiên, do chủ cũ bán giá rất hời nên tôi quyết định mua, rồi tính sẽ cải tạo lại.
Khi thủ tục pháp lý hoàn tất, nói chuyện với anh bạn kiến trúc sư để bàn về việc cải tạo căn nhà thì mới thấy, cải tạo căn nhà này không dễ dàng như nhấn nút refresh để làm tươi mới những bề mặt vốn đã phai màu theo thời gian. Cũng không không đơn giản chỉ là nhanh chóng xóa đi bất đồng ngôn ngữ giữa các loại chất liệu đã qua nhiều lần thay đổi, chồng lớp lên nhau.
Bài toán cần lời giải ở đây là phải thiết kế làm sao để tìm ra sự hài hòa giữa những giá trị cũ và mới, giữa mặt hình thức với những tiện ích cần có của một không gian nhà ở vốn thiếu nhiều ánh sáng. Chứ không phải cứ sửa sang, sơn lại là ổn. Vì vậy, việc đầu tiên chúng tôi thống nhất làm trước, là khắc phục không gian tối tăm của căn nhà.
Giải pháp được kiến trúc sư đưa ra là tạo ra một hệ thống ô cửa sổ tại các mặt dọc đường ngõ, để lợi dụng ánh sáng phản chiếu từ các cạnh của cửa để dẫn ánh sáng vào nhà. Cách làm này cũng để tăng sự giao thoa trong ngoài và tăng khả năng hô hấp của nhà lẫn người với môi trường.
Cửa được sử dụng kính phản quang, phía trong trang bị thêm một lớp lưới thép có hoa văn cách điệu, vừa tạo sự riêng tư, vừa có thể lấy gió tự nhiên.
Ngoài ra, ở các ô cửa sổ hướng ra đường, chúng tôi trang bị thêm nội thất, kệ tủ nhỏ hoặc một chiếc ghế ngồi nhằm tận dụng tối đa không gian các mặt đứng. Do đó, những góc nhỏ bên trong sẽ ít phải chịu tác động, mà vẫn giữ nguyên được cấu trúc và không gian như cũ. Nếu có thay đổi, thì chỉ là sự điểm xuyết nhẹ nhàng các sắp đặt và chi tiết mới, chiếu sáng khác đi, “trang điểm” một chút khéo hơn là đủ.
Các vật liệu thiên nhiên trong căn nhà cũng được sử dụng tinh tế, sắp xếp và xoay xở linh hoạt trong từng ngóc ngách, từng chốn quen. Tôi cũng không yêu cầu phải xóa hết đi dấu vết xưa cũ, thay vào đó cứ để sự trần trụi của thời gian hằn in trên gỗ cũ tường loang hôm qua. Muốn mang dáng vẻ hiện đại thì có thể điểm thêm đôi ba phá cách, thêm chút xa xỉ khác biệt, chút thô ráp, chút nguệch ngoạc nổi loạn. Thêm một chút thôi là không gian đã cá tính hơn rất nhiều.
Nhà tôi ở đó
Ở con ngõ nhỏ này, tôi được nhiều thứ hơn ở phố. Sáng sớm, tôi được đánh thức bởi lũ chim chào mào, chim sẻ và mấy con vẹt của cụ hàng xóm. Chúng cứ hót líu lo cả ngày chẳng cần bận tâm xem hàng xóm bên cạnh có than phiền gì về mình không.
Những trưa hè nắng gắt, không cần bật điều hòa, chỉ cần mở cửa sổ, tôi vẫn có thể đánh một giấc ngon lành. Chiều nào về sớm, tôi sang quán cà phê đối diện ngõ làm một tách trà, ngồi ngắm phố phường và nhịp sống của con ngõ nhỏ thân quen.
Vào giờ cơm chiều, vài ba tốp sinh viên xúm xít nhặt rau, cười đùa với nhau lan ra cả ngõ. Thỉnh thoảng thấy có hơi ồn ào nhưng trong ngõ không ai nỡ buông lời than phiền bao giờ. Một nét đáng quý nữa ở con ngõ này là người dân vẫn giữ được nếp sinh hoạt thôn quê, khi nhà này có bát canh ngon, múc mang sang mời hàng xóm một chút. Nhà nọ cũng thường xuyên sang nhà kia trò chuyện, hỏi thăm nhau, chứ không cửa đóng, cài then im lìm như trên phố. Rồi khi có dịp đặc biệt, cả xóm lại rủ nhau sum họp.
Có những buổi chiều thanh vắng, bước chân trên lối hẹp lát đá, hai bên là những ô cửa sổ đã lên đèn, bỗng dưng tôi thấy nhớ mùi dầu gió Hương Thảo của nội tôi. Rồi cả mùi chai rượu xoa bóp của ông cứ miên man đuổi theo tôi trong từng nếp nghĩ.
Cái mùi khó chịu mà ông thường bảo tôi tránh đi mỗi lần ông bắt đầu lôi ra xoa vào cánh tay. Để rồi ngày đó tôi tưởng ông giấu tôi uống một mình. Những mùi hương ấy thơm cả giấc mơ tôi. Nó như trói tôi lại giữa những dấu yêu thời tuổi nhỏ.
Vì những điều bình dị ấy mà tôi ngày một thêm yêu con ngõ nhỏ của mình. Hàng ngày, khi tan sở, tôi lại trở về nhà ngay, chứ ít khi la cà nơi phố xá như trước.
Ở đây đã hai năm, hai ba căn nhà cũ bên cạnh nay đã có chủ và đang được cải tạo. Nhà nào cũng dựng lưới mắt cáo vuông vắn, kín mít và cố nhoài ra ngõ một chút. Ngõ cũng vắng thưa dần tiếng lách cách sinh viên nấu ăn. Những âm thanh quen thuộc trước đây giờ đã là xa xỉ. Hẻm bỗng “nhỏ hơn”…
Nhưng con ngõ không vì thế mà quên mất mình. Nó vẫn ôm ấp nhiều kỷ niệm cả cũ và mới, vẫn vui mừng chào đón tôi trở về sau mỗi chuyến đi xa. Do đó, dù đã xa quê cả chục năm trời, tôi vẫn được sống trong hương vị của quê nhà mỗi lần về đây. Căn nhà nhỏ như lưu giữ thứ mùi hương chẳng bao giờ lẫn vào đâu. Mùi của nơi tôi gọi là Nhà…
Tết sắp về. Tết năm nay nữa là tôi vừa tròn 32, đã đủ biết được chẳng nơi nào bằng ở nhà, rằng mọi yêu thương ngoài kia đều có giới hạn của nó. Chậm vài giây lang thang giữa lòng ngõ nhỏ yên bình để lắng lòng nghe những lời tình tự của thời gian, tôi hiểu ra rằng, từng góc nhỏ trong cái ngõ xinh xinh này đều giống như những ngóc ngách tế nhị của cuộc đời. Nghĩa là chúng cũng chất chứa trong lòng một câu chuyện riêng của nó. Như tôi.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com