Thừa phải bán đấu giá nhưng vẫn muốn xây thêm
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện địa phương này đang thừa hơn 4.000 căn hộ tái định cư tại quận 2, trong khu nhà tái định cư đã hoàn thành từ trước năm 2015 tới nay. Số lượng căn hộ tái định cư này dành cho người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Khu tái định cư này gồm 12.500 căn hộ, hiện đã xây dựng được hơn 8.000 căn hộ, nhưng lượng dân về ở chỉ đạt chưa tới 10% và Thành phố đang chào bán đấu giá hơn 3.000 căn hộ chung cư tái định cư tại dự án này cho các doanh nghiệp bất động sản.
Do không có người về ở, nên nhiều khu tái định cư bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể kể đến dự án hơn 2.000 căn tái định cư tại Khu dân cư tái định cư Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Dù đang thừa hàng nghìn căn nhà tái định cư, nhưng UBND TP.HCM cho biết, hiện vẫn cần khoảng 20.000 căn hộ tái định cư cho dự án cải tạo nhà ven kênh, rạch và chỉnh trang, sửa chữa nhà chung cư cũ tại TP.HCM.
Do đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 do UBND TP.HCM tổ chức đầu tháng 5, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước vào phát triển các dự án tái định cư. Số lượng nhà tái định cư này chủ yếu để phục vụ việc di dời nhà chung cư cũ tại TP.HCM hiện nay.
Các dự án kêu gọi đầu tư là Dự án Xây dựng chung cư lô IV-VI Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, tổng vốn đầu tư 2.069 tỷ đồng/94 triệu USD; Dự án tái định cư cụm 8 chung cư, cụm 15 chung cư tại Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh; Dự án tái định cư chung cư công trường Hòa Bình, phường 19, quận Bình Thạnh; Dự án tái định cư chung cư số 2 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh; Dự án tái định cư cư xá hẻm 23 Trần Văn Kỳ, phường 14, quận Bình Thạnh; Dự án tái định cư chung cư đường sắt 28 Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh; Dự án tái định cư chung cư 4B Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 19, quận Bình Thạnh…
Bà Mai cho biết, các dự án này Thành phố kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xây dựng, bởi hiện nay chương trình di dời, sửa chữa nhà chung cư cũ tại TP.HCM đang rất gấp. Cụ thể, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2016 - 2020 có đề ra nhiệm vụ đến năm 2020 phải chỉnh trang sửa chữa 447 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, nhưng hiện Thành phố mới chỉ di dời, sửa chữa được chưa tới 10 dự án. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn thương thảo với dân và để di dời được người dân, thì phải có những dự án tái định cư cho người dân về ở.
Lại nỗi lo để không
Một vấn đề được quan tâm là liệu các dự án tái định cư này sau khi xây dựng xong có bị bỏ không như nhiều dự án tái định cư hiện nay hay không? Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã làm cuộc khảo sát nhỏ với nhiều người dân đang sinh sống tại Cư xá Thanh Đa, một trong những nơi có lượng chung cư cũ phải cải tạo, xây mới nhiều nhất TP.HCM, nhưng đa số đều cho biết, không muốn về sống tại các khu tái định cư.
Ở lô H, Cư xá Thanh Đa, người dân được lãnh đạo quận vận động nếu đi về khu tái định cư tại đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh ở, thì một căn chung cư cũ có diện tích 100 m2, sẽ được đền bù 2 căn chung cư mới. Thế nhưng, người dân tại đây không chịu, mà muốn tái định cư tại chỗ với lý do sống đâu quen đó. Ngoài việc cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, còn là câu chuyện làm ăn…
Dù cuộc khảo sát nhỏ không thể trả lời hết cho câu hỏi trên, nhưng qua đó cho thấy, việc đưa người dân về các khu tái định cư vẫn là bài toán khó với chính quyền TP.HCM.
Ngoài ra, khảo sát nhỏ trên cũng cho thấy một khó khăn khác trong việc triển khai chương trình cải tạo, xây mới chung cư cũ, đó chính là công tác di dời người dân tại các khu chung cư cũ.
Trong chương trình đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo TP.HCM tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, việc đầu tư vào các dự án là điểm quan tâm lớn của doanh nghiệp và họ sẵn sàng vào đầu tư dự án mà Thành phố kêu gọi, nhưng điểm khó là các dự án đều vướng vấn đề chưa có mặt bằng sạch. Do đó, doanh nghiệp muốn biết Thành phố có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng và thời gian di dời dân, bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp là bao lâu?
Tuy nhiên, câu trả lời mà các doanh nghiệp nhận được từ phía lãnh đạo TP.HCM vẫn chỉ là chung chung, chứ chưa có biện pháp cụ thể trong việc di dời, giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Vietcomreal cho biết, doanh nghiệp ông rất quan tâm tới chương trình cải tạo, xây mới chung cư cũ của TP.HCM. Tuy nhiên, bài toán di dời người dân ở các khu chung cư cũ từ nhiều năm nay vẫn chưa có lời giải. Doanh nghiệp không thể thỏa thuận được với người dân, trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa thể hiện tốt vai trò để giúp chủ đầu tư và người dân đạt được thỏa thuận.
“Muốn doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xây dựng dự án thì TP.HCM phải có chính sách rõ ràng để doanh nghiệp tham gia, không chỉ là ký đầu tư trên giấy như hiện nay. Việc thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng khiến cho việc triển khai dự án bị ách tắc và đó là lý do khiến nhiều dự án bị treo”, ông Tuấn nói.
Trong đó, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, điểm mới của TP.HCM trong kêu gọi đầu tư lần này đó là Thành phố sẽ có 4 chính sách cho nhà đầu tư lựa chọn.
Thứ nhất, quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở) đối với các dự án đầu tư kinh doanh mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Thứ hai, đấu giá quyền sử dụng đất (thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu giá tài sản) đối với các dự án đầu tư kinh doanh mà nhà đầu tư mong muốn thực hiện có địa điểm thực hiện dự án là các khu đất trống, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Thứ ba, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu) các dự án có sử dụng đất trong trường hợp dự án đầu tư kinh doanh mà nhà đầu tư mong muốn thực hiện có địa điểm thực hiện dự án là các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng.
Thứ tư là hình thức đối tác công - tư (PPP) (thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu) đối với các trường hợp đầu tư trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đối với các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nhất là chỉnh trang đô thị, gian nan nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, Thành phố cần có cơ chế và giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư.
Về hành lang pháp lý, HoREA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về dùng tài sản công, trong đó có quỹ đất, để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Hiệp hội cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị chủ trì dự án khẩn trương rà soát, hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi của các dự án mời gọi đầu tư, nhất là các dự án chỉnh trang đô thị.