Ngân sách nợ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, năm nay, ngân sách sẽ hụt thu 63.600 tỷ đồng, nguyên nhân là do sản xuất khó khăn dẫn đến thu nội địa giảm sút, do kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế ở mức thấp, cũng như do miễn, giảm, giãn thuế…
Các đại biểu đều cho rằng, nguyên nhân sản xuất đình đốn là quan trọng nhất, phải tháo gỡ được khó khăn cho sản xuất thì mới đảm bảo nguồn thu trong năm 2014. “Năm 2014, Chính phủ đặt dự toán thu ngân sách tăng 7,9%, với cơ cấu nguồn thu vẫn tập trung thu nội địa, nhưng biện pháp hỗ trợ khối DN tăng sức sản xuất, giải quyết thị trường thì chưa đậm nét. Vậy liệu chúng ta có đạt mục tiêu được không?”, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhấn mạnh.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết phản ánh, người dân rất cần vốn, nhưng chỉ cần vay món nhỏ. Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì thừa vốn mà dân không vay được. Cần phải giải tỏa nguồn vốn ngân hàng, tăng sản xuất, tăng lưu thông thì mới phát triển được, mới đảm bảo thu ngân sách trong năm tới.
Đáng chú ý, trong khi DN đang rất khó khăn thì ngân sách lại nợ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ đọng xây dựng cơ bản hàng chục nghìn tỷ đồng. Quỹ hoàn thuế giá trị giá tăng là phần ứng trước của DN, nay Chính phủ vay và chưa trả khiến DN càng khó khăn.
“Trong khi DN không được phép nợ thuế, phải trả lãi vay thì một phần vốn của DN lại bị Chính phủ chiếm dụng mà không hề được trả lãi”, đại biểu Nguyệt Hường nói.
Về thu ngân sách 2013, chênh lệch thu chi ngân sách khoảng hơn 25.000 tỷ đồng, nhưng có gần 40.000 tỷ đồng là khoản ghi thu ngoài dự toán ngân sách. Có ý kiến đại biểu cho rằng, Chính phủ cần làm rõ đây là những khoản gì?
Chi ngân sách cần chống bình quân dàn đều
Ý kiến các đại biểu cũng tập trung vào vấn đề giảm chi, tiết kiệm chi, chống lãng phí, dàn trải trong sử dụng ngân sách. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền phát biểu: “Về phân bổ ngân sách, đề nghị thắt chặt tất cả các khu vực từ chi hành chính, đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Đặc biệt, cắt giảm mạnh chi hành chính, phù hợp với mục tiêu đến hết năm 2016 không tuyển dụng biên chế mới”.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, khi phân bổ ngân sách cần chống bình quân dàn đều. Bình quân và dàn đều là vấn đề nhức nhối trong phân bổ ngân sách, không tạo điểm nhấn trong đầu tư phát triển. Việc bình quân sẽ không đưa nguồn tiền vào những nơi có lợi thế cạnh tranh, sinh lời, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Quyền nêu thực tế, hàng nghìn đề tài khoa học từ cấp Nhà nước đến cấp bộ, bảo vệ đề tài xong là để đấy, không có tác dụng gì, chỉ có tác dụng giải ngân và tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho cán bộ, chi vào túi một số cá nhân. “Khoa học công nghệ phải đi vào những cái đem lại hiệu quả cho đời sống kinh tế - xã hội”, đại biểu Quyền nói.
Cảnh báo nợ địa phương
Theo một số đại biểu, nợ công hiện vẫn trong giới hạn an toàn, chưa đến 65% GDP, nhưng báo cáo dư nợ công đến tháng 7/2013 cho thấy, mỗi người dân Việt Nam đang gánh 826,4 USD/người. Nếu tăng bội chi, phát hành thêm trái phiếu chính phủ thì nợ công sẽ tiếp tục tăng và khó có thể nói một cách chủ quan rằng, chúng ta vẫn an toàn.
Hiện nay, một số tỉnh, thành đã phát hành trái phiếu địa phương. Nhiều bài học ở Trung Quốc, Mỹ cho thấy, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì nợ địa phương sẽ tăng cao, cộng thêm vào nợ quốc gia. Vì thế, có đại biểu kiến nghị, nên đưa nợ địa phương vào diện kiểm soát của cấp Trung ương.
Liên quan đến đề xuất nâng trần bội chi năm 2014 lên mức 5,3% GDP của Chính phủ, có ý kiến cho rằng, để đảm bảo đủ nguồn đầu tư phát triển thì bội chi có thể lên tới 5,8 - 6,4% GDP. Do đó, cần xem xét lại mức bội chi, tránh trường hợp đến giữa năm 2014 lại trình xin tăng lần nữa, sẽ tạo tâm lý không tốt trong xã hội.