Đang tồn tại một nghịch lý trong hoạt động tín dụng hiện nay. Đó là quyền con nợ hiện to hơn quyền chủ nợ.
Thông thường, khi ký kết hợp đồng vay vốn, khách hàng cam kết sẽ giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng trong trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Thế nhưng, nhiều khách hàng lại chây ỳ, thậm chí chống đối bàn giao tài sản đảm bảo khi mất khả năng trả nợ. Với những khách hàng như vậy, ngân hàng đành bó tay nếu không được chính quyền sở tại hỗ trợ.
Nghe chuyện này, một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã tròn mắt, ngạc nhiên đặt câu hỏi, tại sao nhiều ngân hàng Việt vẫn dám cho vay trong bối cảnh pháp lý như đùa.
Theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng được quyền xử lý tài sản bảo đảm theo ý chí của mình với điều kiện không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không được lạm dụng quyền gây thiệt hại cho người khác, không vượt quá giới hạn việc thực hiện quyền đó.
Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo đã phần nào bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của bên nhận bảo đảm, chủ yếu là các tổ chức tín dụng. Song quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 lại gạt nội dung về tài sản đảm bảo ra ngoài, khiến các tổ chức tín dụng rất lúng túng và lo lắng khi xử lý nợ xấu.
Như vậy, nếu luật bỏ qua và thông tư hướng dẫn cũng không động tới vấn đề này, thì hàng tỷ USD vốn của ngân hàng sẽ tiếp tục “ngủ đông”, phủ kín bởi lớp áo choàng “nợ xấu”.
Do khó đạt được thỏa thuận với khách hàng trong xử lý tài sản đảm bảo, lại vướng vô vàn quy định pháp luật chồng chéo, mơ hồ, nên thời gian qua, một số ngân hàng đã phải nhờ Tòa án giải quyết. Thế nhưng, “đáo tụng đình” là việc không ngân hàng nào muốn, bởi quá trình kéo dài, tốn kém chi phí và tổn hại uy tín các bên. Thêm vào đó, quá trình xử lý của cơ quan Thi hành án cũng rất chậm do bị quá tải.
Rõ ràng, để xử lý dứt điểm nợ xấu thì việc thu hồi và bán tài sản đảm bảo là giải pháp khả thi nhất, triệt để nhất. Do đó, phải thiết lập một hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm, các quy định về xử lý tài sản bảo đảm thực sự đồng bộ, hoàn thiện.
Ngoài ra, cơ chế bảo đảm thực thi hiệu lực, hiệu quả nhằm bảo vệ quyền chủ nợ, quy định trách nhiệm của bên đi vay cũng như trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền xử lý tài sản bảo đảm của cơ quan tư pháp các cấp.
Trước hết, Chính phủ cần sớm xây dựng luật riêng về giao dịch đảm bảo, hoặc nhanh chóng ban hành nghị định về giao dịch bảo đảm. Nghị định này phải bảo vệ ngay lập tức quyền chủ nợ theo hướng: chủ nợ có quyền thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý, ngay cả khi tài sản bảo đảm đó đang thuộc quyền chiếm giữ, kiểm soát và chi phối bởi các chủ thể khác dựa trên nguyên lý “không vi phạm điều cấm, không dùng vũ lực”.
Riêng với tài sản đảm bảo là bất động sản, quy trình thu giữ cần tiến hành một cách thận trọng và phải thông báo cho chính quyền địa phương, công an nơi có tài sản.
Để cân đối, hài hòa với bên có tài sản bị xử lý, cũng cần quy định rõ tổ chức tín dụng phải tuân thủ các nghĩa vụ gì khi tự mình bán tài sản bảo đảm để tránh tình trạng giá bán quá thấp, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bảo đảm.
Thứ hai, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án cũng cần vào cuộc quyết liệt giải quyết vướng mắc của các tổ chức tín dụng liên quan tới tài sản đảm bảo. Trong quá trình xét xử, thi hành án, các thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên nên quan tâm, ghi nhận, công nhận và thừa nhận quyền xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng là một quyền dân sự hợp pháp, đương nhiên và chính đáng cần phải được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Chỉ khi các vướng mắc trên được gỡ bỏ, thì khối lượng tài sản khổng lồ đang chôn vùi trong nợ xấu mới được khơi thông, dòng vốn sẽ tiếp tục quay vòng trong nền kinh tế. Nếu không, việc xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ kéo dài và đến lúc nào đó, dòng tín dụng sẽ đóng băng, bởi ngân hàng không còn niềm tin vào tài sản thế chấp.