Doanh nghiệp, người dân chậm nộp thuế sẽ bị xử lý trong khi không có chế tài đối với trường hợp chậm hoàn thuế cho người dân, doanh nghiệp.
Ý kiến này được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
Năm 2024, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu), cơ quan thẩm tra khái quát.
Để nhìn nhận đầy đủ, khách quan, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần quan tâm, đánh giá sâu sắc, kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn cao hơn cùng kỳ. Cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao và khó khăn về tài chính là những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 86,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7 % so với cùng kỳ năm trước; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023 .
Có ý kiến cho rằng, để đánh giá đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ cần có thống kê về số lượng doanh nghiệp thực hoạt động, có phát sinh thuế hằng năm, báo cáo thẩm tra nêu.
Ủy ban Kinh tế đánh giá, công tác cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại như: thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục… Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn bộc lộ vướng mắc, bất cập; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính.
Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân (như quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, phòng cháy chữa cháy (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Thông tư số 02/2021/TT-BXD), quản lý thuế đối với giao dịch liên kết).
Có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá làm rõ hơn công tác cải cách thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra.
Doanh nghiệp phản ánh về tình trạng chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật không mang tính thực tiễn, gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, như Quy chuẩn 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ về thép không gỉ…
Đáng chú ý, doanh nghiệp trong ngành thủy sản phản ánh, theo quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 19/5/2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500 mm. Nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu.
Quy định này là nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10-20% mẻ lưới. Ngoài ra, đối với cá ngừ vằn, các quốc gia và các tổ chức quản lý nghề cá thường áp dụng hạn ngạch khai thác, thay vì quản lý kích thước khai thác.
Báo cáo thẩm tra tiếp tục phản ánh vấn đề từng nhiều lần được phản ánh tại nghị trường. Đó là, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong những năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng đùn đẩy và không giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan thuế đã làm tồn đọng lũy kế số thuế giá trị gia tăng rất lớn, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ kiệt quệ về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng duy trì hoạt động kinh doanh.
Trong khi thuế giá trị gia tăng không được hoàn, doanh nghiệp vẫn phải cân đối nguồn để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tục, chứng từ hoàn thuế thu nhập cá nhân phức tạp và việc hoàn thuế thu nhập cá nhân cũng bị chậm.
Có ý kiến nêu nghịch lý, doanh nghiệp, người dân chậm nộp thuế sẽ bị xử lý, trong khi không có chế tài đối với trường hợp chậm hoàn thuế cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp lo ngại về việc một số chính sách thuế sắp được sửa đổi, bổ sung tạo thêm gánh nặng, chi phí cho sản xuất, kinh doanh, làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, báo cáo nêu.