Nghịch lý cung - cầu thị trường bất động sản TP. HCM

(ĐTCK) Bất động sản TP. HCM đang tồn tại một nghịch lý, dù thị trường đang tồn đọng hàng chục ngàn căn hộ, nhưng người có nhu cầu về nhà ở lại không thể tiếp cận được.
Nghịch lý cung - cầu thị trường bất động sản TP. HCM

Nguồn cung vừa thiếu, vừa thừa

Thời gian qua, theo kết quả khảo sát từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, lượng căn hộ trên địa bàn TP. HCM đã có mức tiêu thụ khá tốt. Tuy nhiên, báo cáo mới đây nhất của Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, đến thời điểm hiện nay, TP. HCM còn tồn khoảng hơn 10.000 căn hộ. Điều đáng nói, so với nhu cầu thực tế về nhà ở, nguồn cung trên không phải là nhiều, nhưng người có nhu cầu về nhà ở không thể tiếp cận.

“Để giúp thị trường giải quyết hàng tồn kho, Nhà nước đã đưa ra gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm để hỗ trợ vốn vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả vẫn chưa cao, bởi phần lớn hàng tồn hiện nay đều tập trung vào các dự án căn hộ có diện tích trên 70 m2”, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết.

Để đẩy nhanh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng và giúp người dân có nhu cầu có điều kiện mua nhà, TP. HCM đã kiến nghị Chính phủ nới điều kiện tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng. Cụ thể, cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với căn hộ có diện tích trên 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng chỉ cho vay lãi suất ưu đãi đối với phần diện tích dưới 70 m2, phần diện tích vượt không cho vay. Lãi suất cho vay giảm 6% xuống còn 3%/năm và tăng thời gian vay lên 15 năm. Cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để ngân hàng cho vay dễ dàng hơn.

Nghịch lý cung - cầu thị trường bất động sản TP. HCM ảnh 1

TP. HCM hiện còn tồn kho hơn 10.000 căn hộ

 

Tuy nhiên, qua trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến cho khoảng cách cung - cầu ngày càng xa là vì người tiêu dùng mất niềm tin vào các chủ đầu tư. Thực tế, một dự án dù có giá bán hấp dẫn đến đâu, được hỗ trợ vay vốn cỡ nào, nhưng chủ đầu tư không chứng tỏ được năng lực đảm bảo tiến độ dự án thì cũng không có khách hàng nào dám mua. Do vậy, theo các chuyên gia, để hàng tồn được giải quyết, bên cạnh chính sách hỗ trợ người mua nhà vay vốn, cần có chính sách thúc đẩy các dự án khởi động tốt.

 

Cần chủ đầu tư chứng minh năng lực

Nhìn vào thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, có những dự án dù không được hỗ trợ lãi vay gói 30.000 tỷ đồng, chủ đầu tư cũng không có chính sách bán hàng đặc biệt, nhưng thanh khoản vẫn rất tốt, ngược lại có dự án tung ra hàng loạt chính sách hỗ trợ hấp dẫn, nhưng khách hàng vẫn “quay lưng”, bởi chủ đầu tư các dự án này đã đánh mất niềm tin nơi khách hàng.

“Giá cả là một yếu tố quan trọng khi bán một dự án, nhưng không phải là tất cả. Yếu tố mang tính quyết định dự án có bán được hàng lúc này hay không hiện nay chính là tiến độ, uy tín, năng lực của chủ đầu tư”, ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Bất động sản Hưng Thịnh nhận định, đồng thời cho rằng, thực tế của hàng loạt vụ khiếu kiện chủ đầu tư chậm bàn giao nhà vừa qua đã khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin vào các chủ đầu tư. Vì vậy, dù dự án có ưu đãi đến mức nào, nhưng nếu chủ dự án không chứng minh được năng lực và uy tín sẽ khó bán được hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cái gốc khó khăn của thị trường lúc này chính là khó khăn của các doanh nghiệp. Nhiều dự án xây dựng dở dang, chậm tiến độ hiện nay là do trước đây các doanh nghiệp không tự lượng được sức mình, lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay và vốn huy động từ khách hàng để xây dựng dự án. Tuy nhiên, khác với giai đoạn giá nhà, đất sốt trước đây, khi khách hàng chấp nhận bỏ tiền mua “nhà trên giấy”, thì hiện nay, nếu không tận mắt chứng kiến dự án được xây dựng tốt, khách hàng sẽ không mua.

“Cách tốt nhất lúc này là doanh nghiệp phải tự cứu mình, phải xoay xở nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án, thay đổi thiết kế, điều chỉnh diện tích căn hộ cho phù hợp với nhu cầu thị trường để tạo tính thanh khoản cho dự án”, ông Đực nói.

>> TP. HCM, nở rộ khiếu kiện đòi nhà

>> Doanh nghiệp địa ốc TP. HCM lại “dở chứng”

>> TP. HCM sẽ khan hiếm nguồn cung căn hộ tốt

>> TP. HCM: Tồn kho bất động sản hơn 22.000 tỷ đồng   

Tăng Triển
Tăng Triển

Tin cùng chuyên mục