Dù còn có nhiều điều mà người dân chưa hài lòng trong cuộc sống hàng ngày như giá điện, xăng dầu, thực phẩm có xu hướng gia tăng, con cái học hành trong một nền giáo dục nặng về thi cử, ốm đau phải điều trị ở bệnh viện kém chất lượng, lớn hơn là lo âu về tương lai đất nước khi tham nhũng từ lâu đã được coi là “quốc nạn” và ngày càng nghiêm trọng, khi lãng phí gặm nhắm vài % GDP và suy đồi đạo đức xã hội đến mức báo động..., nhưng người Việt Nam có quyền tự hào và hạnh phúc được sống trong một đất nước ổn định về chính trị, không phải đối mặt với các vụ khủng bố, biểu tình phong tỏa đường phố, bất an xã hội. Cho dù đời sống vật chất của một bộ phận dân cư còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, nhưng đại bộ phận gia đình ở nông thôn và thành thị đã có mức sống khá giả hơn, có người trở nên giàu có, đời sống văn hóa, tinh thần đã dần được cải thiện.
Một số người chỉ trích thói hư, tật xấu của người Việt và cảnh báo nếu không thay đổi sẽ khó vươn lên trong thế giới hiện đại. Nhưng sẽ thiếu công bằng nếu không đánh giá đúng phẩm giá của dân tộc ta mà nhiều người nước ngoài đã tỏ ra ngưỡng mộ, gắn với truyền thống tốt đẹp được thế hệ người Việt đang sinh sống trong nước và định cư ở nước ngoài kế tục và phát huy, như thông minh cần cù lao động, tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới trong quan hệ con cái với cha mẹ, cháu chắt với ông bà, quan hệ gia tộc trong dòng họ, tình làng nghĩa xóm, lòng bao dung, từ thiện: xây nhà tình nghĩa, chăm sóc người khuyết tật, người già, nhường cơm sẻ áo trong hoạn nạn, thiên tai….
Bằng sự nghiệp đổi mới, dân tộc ta đã tự đoạn tuyệt với cơ chế kinh tế cũ để đi cùng con đường mà nhiều dân tộc trên thế giới đã thành công trong quá trình phát triển: kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Thành tựu là điều không phải bàn cãi nhưng người Việt Nam vẫn băn khoăn về việc thua kém trình độ phát triển kinh tế so với một số nước phát triển trong khu vực và ước muốn nhanh chóng đuổi kịp để sánh bước cùng các nước đó khi mà Cộng đồng ASEAN sắp hình thành.
Câu trả lời là phải biết tranh thủ cơ hội mới đã được tạo ra trong năm 2013 khi tình hình kinh tế vĩ mô đã tương đối ổn định, lạm phát thấp, tiềm lực kinh tế tăng, khi quan hệ song phương và đa phương với các tổ chức quốc tế và các quốc gia đa dạng và thuận lợi hơn, tạo điều kiện để năm 2014 và các năm tiếp theo có thể tăng trưởng kinh tế cao hơn, có hiệu quả và bền vững hơn. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, cả dân tộc đồng tâm hiệp lực vượt qua những thách thức mới.
Thách thức thứ nhất là cải cách thể chế
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ tầm quan trọng đổi mới thể chế và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với sự phát triển đất nước trong tương lai. Bởi vì, các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng do cải cách trước đây tạo ra đã đạt tới hạn, cần có nguồn năng lượng mới. Tư duy mới về thể chế đã được Đảng nêu ra trong Nghị quyết Đại hội XI là tiền đề để cải cách hệ thống luật pháp và hình thành chính sách kinh tế - xã hội.
Người dân đồng tình với việc cần thiết phải đổi mới nhanh hơn và đồng bộ hơn thể chế nhưng thiếu lòng tin về tổ chức thực hiện. Bởi vì, đã gần 3 thập niên chuyển sang kinh tế thị trường mà thể chế chính trị và thể chế kinh tế nước vẫn chưa hoàn thiện về cơ bản. Hàng năm, Quốc hội ban hành nhiều luật và pháp lệnh nhưng vẫn chứa đựng những xung đột, mâu thuẫn cố hữu, phương thức xây dựng luật pháp nặng về hành chính, chưa khai thác được trí tuệ của chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, đôi khi lợi ích nhóm tác động làm méo mó một số điều luật.
Thách thức thứ hai là hội nhập quốc tế
Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ thông tin tạo cơ hội cho mọi dân tộc phát huy lợi thế so sánh trong hội nhập quốc tế, đòi hỏi mỗi quốc gia phải biết thích ứng với mọi biến động về chính trị, kinh tế thế giới, điều chỉnh chiến lược phát triển thích ứng với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ.
Càng hội nhập sâu rộng với thế giới càng bộc lộ những nhược điểm của đất nước, như năng lực cạnh tranh còn thấp, sức đề kháng với các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới còn yếu. Những nhược điểm đó đã được phát hiện từ lâu nhưng chậm được khắc phục. Lý do là vì chưa có chiến lược hội nhập quốc tế thích hợp cũng như chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho từng trường hợp, từng hiệp định.
Năm 2014 là một năm đầy sự kiện hội nhập quốc tế từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, nhất là việc thực hiện đầy đủ cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), chuẩn bị hình thành Cộng đồng ASEAN. Nếu không đổi mới phương thức điều hành của Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp thì khó tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức mới.
Thách thức thứ ba là những yếu kém của bộ máy nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và nợ xấu
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ phương châm “công chức nhà nước được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Đây là điều mà người dân và doanh nghiệp mong muốn. Thực tế đang có khoảng cách khá xa với phương châm đó. Sách nhiễu, lạm quyền, vô cảm của một bộ phận công chức không những làm cho mọi quá trình trở nên khó khăn hơn, thủ tục hành chính rườm rà và chậm chạp, làm mất thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và người dân, mà nghiêm trọng hơn là tạo nên bộ máy thừa công chức “sáng vác ô đi tối vác về”, nhưng thiếu những con người biết sẻ chia và đồng cảm với người dân và doanh nghiệp.
Tình trạng chậm đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu đã làm giảm tốc độ tăng trưởng và tác động tiêu cực đối với quá trình phát triển. Người dân và doanh nghiệp mong muốn phải có bước đột phá lớn và đạt được kết quả rõ rệt trong từng quý của năm nay trên cơ sở quy trách nhiệm cá nhân và xử lý người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp khi không thực hiện được mục tiêu đề ra như Thủ tướng Chính phủ đã công bố.
Thách thức thứ tư là phát triển bền vững gắn với môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, nước ta đã chịu đựng sự “ nổi giận” của thiên nhiên, hậu quả là to lớn và tương lai có thể nghiêm trọng hơn. Năng lượng, khí thải, chất thải lỏng và rắn là những vấn đề không chỉ cho thế hệ hôm nay mà là món nợ của chúng ta đối với các thế hệ mai sau.
Nếu chúng ta không bắt đầu và đẩy nhanh xây dựng nguồn năng lượng sạch, rẻ và ổn định cho tương lai, không thay đổi thói quen tiêu dùng năng lượng thì khó hình dung được một Việt Nam hiện đại và phát triển bền vững.
Những thách thức trên đây cần sự thức tỉnh của người dân, nhưng phải có quyết tâm cao từ những người đứng đầu cơ quan đầu não của đất nước với phương thức điều hành mới để khai thác tối đa nguồn lực trí tuệ của người Việt Nam trong nước và định cư ở nước ngoài - những con người có chung ước mơ xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho muôn đời con cháu.