Nghi vấn sàn ảo dụ nhà đầu tư bằng lợi nhuận "khủng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giới thiệu chính sách “bao lời” cùng mức cam kết lợi nhuận 24 - 30%/tháng, nhiều người bỏ tiền vào sàn Busstrade nhưng chỉ sau thời gian ngắn, chủ sàn thông báo bảo trì hệ thống và “lặn mất tăm”.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh, nhiều nhà đầu tư đã đồng loạt gửi đơn thư tố cáo đến cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của sàn giao dịch Busstrade.

Theo đó, sau khi nộp hàng tỷ đồng vào tài khoản cá nhân ông Hoàng Minh Đức (nickname “Buss Đức”), người quảng cáo, sàn Busstrade do Anh quốc cấp phép, khi tham gia được bảo hiểm vốn 100%, sàn này đã “bốc hơi” khiến họ đứng trước nguy cơ mất tiền.

Sau một số nhà đầu tư được phản ánh trong bài trước, tiếp tục có nhiều nhà đầu tư phản ánh về việc mất tiền khi đầu tư vào sàn này.

Chị Phạm Thị T. (ở Hà Nội) cả tháng nay “mất ăn mất ngủ” vì trót đầu tư 3,4 tỷ đồng vào sàn Busstrade. Chị T. kể, chị mới tham gia từ tháng 2/2021 và nâng vốn từ đầu tháng 4/2021. PV có thắc mắc vì sao một số sàn ảo bị tố giác trong thời gian này nhưng không rút vốn mà vẫn tham gia, chị T. nói do tin tưởng đây là sàn quốc tế vì đã kiểm tra trên trang Alexa.

Chị T. cho biết, chị nghe theo những lời giới thiệu của các big leader của nhóm “Elite team” (sàn Busstrade) để mở 28 tài khoản, mỗi tài khoản 5.000 USD (bằng cách quy đổi tiền VND sang đồng tiền điện tử USDT với tỷ giá 1 USDT = 24.500 VNĐ) theo hình thức copytrade.

Mỗi tuần chị T. đóng 2% phí bảo hiểm.

“Hàng tuần tôi được họ hứa hẹn sẽ có lợi nhuận từ 5-7%. Lợi nhuận chỉ được chuyển nội bộ cho các admin và leader sau đó họ chuyển tiền mặt vào tài khoản nhà đầu tư. Các nhà đầu tư không thể tự nạp và tự rút tiền trực tiếp”, chị T kể.

“Tuy nhiên, bất ngờ vào ngày 23/4/2021, sàn thông báo bảo trì và mở lại vào ngày 5/5/2021 nhưng lại yêu cầu nhà đầu tư quy đổi toàn bộ số tiền trong tài khoản ra Btoken với giá trị 10.USD/1token. Trong khi giá trị thực tế hiện tại của đồng BToken trên thị trường dao động khoảng 0,01 – 0,05 USDT. Đồng nghĩa là giá trị còn lại thực tế giảm 200-1.000 lần so với ban đầu”, chị T. bức xúc.

Có thời điểm số lượt truy cập vào sàn Busstrade lên đến hơn 103.000 lượt.

Có thời điểm số lượt truy cập vào sàn Busstrade lên đến hơn 103.000 lượt.

Cũng tương tự, ngày 10/5/2021, một nhóm nhà đầu tư ở Hà Tĩnh đã gửi đơn trình báo lên Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm cao Công an tỉnh Hà Tĩnh tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của sàn Busstrade.

Nhóm nhà đầu tư cho biết, họ tham gia nhóm do các đối tượng Huỳnh Thích Nhân, Hà Công Tài… dẫn dắt. Từ tháng 3/2020, các đối tượng này đã quảng cáo, giới thiệu về sàn giao dịch trực tuyến Busstrade (hiện đã đóng) là sàn quốc tế, được thành lập và cấp phép ở Vương quốc Anh.

“Họ tung hô là những trader (người giao dịch) có chuyên môn xuất sắc, bao lời và không mất vốn bằng cách đóng bảo hiểm hàng tuần để được bảo hiểm 100% vốn”, đơn thư nêu.

Theo các bị hại, nhóm này thường xuyên tổ chức các chương trình, sự kiện, họp mặt, quảng cáo trên mạng xã hội… để lôi kéo, kêu gọi nhiều người tham gia, cam kết lợi nhuận 24 - 30%/tháng.

Còn theo tìm hiểu của PV, sàn Busstrade có đội ngũ 33 big trade với hàng nghìn người tham gia ở các tỉnh, thành cả nước. Sàn này lập ra 4 tài khoản tương ứng với số vốn tối thiểu là 100 USD, 1.000 USD, 2.000 USD, 5.000 USD.

Nhà đầu tư chọn mức vốn tương ứng và thực hiện lệnh “sao chép giao dịch – copytrade” để được đồng bộ hóa lệnh giao dịch hằng ngày để có lợi nhuận. Số vốn hoặc lãi sinh ra có thể được trao đổi nội bộ với nhau hoặc rút về các loại ví tiền điện tử rồi bán ra để thu về tiền VNĐ.

Do việc tạo tài khoản, nộp, rút vốn đơn giản và quảng bá mức lợi nhuận “khủng”, có phí bảo hiểm vốn khiến nhiều người tin tưởng nộp tiền. Mặt khác, toàn bộ số tiền đóng phí bảo hiểm đều được chuyển khoản vào tài khoản cá nhân dẫn đến tiềm ẩn rủi ro lớn.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, việc các đối tượng khi mời gọi các nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch đã có mục đích gian dối để nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Với thủ đoạn rất tinh vi bằng hình thức công nghệ cao qua mạng Internet, có sự cấu kết chặt chẽ, phân công nhiệm vụ của từng đối tượng để dụ dỗ, lôi kéo các nhà đầu tư tiền để nhằm chiếm đoạt tài sản. Với hành vi này có dấu hiệu phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục đưa tin về các diễn biến mới của sự việc.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục