Lỗ lớn khi đầu tư vào Sài Gòn M&C
Giữa năm 2017, thị trường bị “sốc” khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra văn bản về việc thu giữ tài sản đảm bảo là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C (trước đây là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower) và VF2 là một trong các bên đầu tư vào dự án.
Ngày 8/11/2007, VF2 đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 2407/KĐKT-M&C với Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C để thực hiện đầu tư tòa nhà Sài Gòn M&C. Theo tờ trình xin ý kiến của người phụ trách quản lý danh mục gửi ngày 31/10/2007 qua email, đây là khoản đầu tư diện tích 1.000 m2 căn hộ dự án, với giá mua 6.500 USD/m2. Tổng giá trị khoản đầu tư là 6 triệu USD, tương đương gần 105 tỷ đồng tại thời điểm đó. 90% giá trị khoản đầu tư này, tương đương 94,4424 tỷ đồng, đã được VFM chuyển cho đối tác.
Năm 2012, hơn 10 thành viên góp vốn vào VF2 bỏ phiếu thông qua việc giải thể Quỹ. Giá trị tài sản ròng của VF2 tại thời điểm cuối quý III/2012 là 5.569 đồng/đơn vị quỹ. Còn giá trị khoản đầu tư vào tòa nhà Sài Gòn M&C được CBRE định giá là 113,4 tỷ đồng, cao hơn 10% so với giá trị đầu tư ban đầu.
Theo dự kiến, thời gian thanh lý Quỹ là 24 tháng, muộn nhất trước ngày 9/10/2014. Trường hợp sau 24 tháng kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án giải thể, VF2 vẫn chưa thanh lý hết tài sản, thì trước ngày 30/8/2014, VFM sẽ xin ý kiến thành viên về phương án thanh lý.
Đến ngày 8/7/2014, Đại hội thành viên của VF2 được tổ chức. Lần này, giá trị khoản đầu tư vào Sài Gòn M&C theo đánh giá của CBRE giảm còn 78,4 tỷ đồng, 90% giá trị đã góp vốn có giá trị tương ứng là 70,6 tỷ đồng.
Năm 2016, một lần nữa, VFM phải xin ý kiến cổ đông về phương án thanh lý tài sản đối với khoản đầu tư vào Sài Gòn M&C. Định giá khoản đầu tư theo đánh giá của Cushman & Wakefield thời điểm này là 1,8 triệu USD, tương đương 39,4 tỷ đồng. Khoản 90% vốn đã góp của VF2 vào Sài Gòn M&C tương ứng chỉ còn gần 35,5 tỷ đồng.
Cho đến lần xin ý kiến thành viên ngày 14/12/2017, khoản đầu tư vào tòa nhà Sài Gòn M&C mới được định đoạt. Gần 95 tỷ đồng bỏ ra ban đầu để đầu tư vào tòa nhà này của VF2 theo hình thức hợp tác kinh doanh đã được bán cho VFM với giá 10 tỷ đồng.
Trong tờ trình trước đó, đa số các thành viên góp vốn vào VF2 đã đồng thuận về nội dung Quỹ bán khoản đầu tư cho các thành viên góp vốn, hoặc nhà đầu tư tiềm năng, hoặc VFM, với mức giá 10 tỷ đồng. VFM chỉ mua khi không tìm được đối tác nào và cam kết sẽ khởi kiện Địa ốc Sài Gòn M&C ra tòa để buộc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nếu sau này số tiền VFM thu được nhiều hơn 10 tỷ đồng, Công ty sẽ thực hiện chia cho các thành viên góp vốn theo đúng tỷ lệ sở hữu tại VF2.
Với việc thanh lý khoản đầu tư vào Sài Gòn M&C, VF2 đã đủ điều kiện để được… khai tử, với số tiền cổ đông thu về qua 7 lần tương ứng bằng 47,41% giá trị góp vốn ban đầu.
Rủi ro đầu tư hay có yếu tố khuất tất?
Phải nhận về một khoản đầu tư trị giá 10 tỷ đồng để VF2 có thể được khai tử là việc làm bất đắc dĩ của VFM. Nhưng ở góc độ nhà đầu tư, có thành viên góp vốn vào VF2 cho rằng, VFM đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Nguồn tin từ PVcomBank, một thành viên góp trên 10% vốn điều lệ VF2 cho rằng, VFM phải chịu một phần trách nhiệm về khoản đầu tư vào tòa nhà Sài Gòn M&C.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, PVcomBank cho biết, khi xin ý kiến đầu tư vào tòa nhà Sài Gòn M&C, VFM nói là mua 1.000 m2 sàn căn hộ của dự án, chứ không phải là hợp đồng hợp tác kinh doanh.
“Ở đây, VF2 còn hợp tác với một thành viên góp vốn vào công ty chủ đầu tư dự án, chứ không phải hợp tác thẳng với chủ đầu tư dự án này. Chúng tôi cho rằng, hợp đồng này không có đủ căn cứ pháp lý, nên không thể được coi là mua một tài sản được. Việc đầu tư và bán cho VFM, theo chúng tôi, đều có thể coi là có yếu tố khuất tất”, đại diện PVCombank nói.
Trên thực tế, tòa nhà Sài Gòn M&C có chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C. Một trong những cổ đông của công ty này là Công ty cổ phần M&C - đơn vị ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với VFM.
Về vấn đề này, một nguồn tin tại VFM cho biết, để được giải ngân, VFM đã làm việc với bộ phận pháp lý và tiền cũng chỉ được chuyển đi khi có sự chấp thuận của ngân hàng giám sát (HSBC). Do vậy, không thể nói là không đúng pháp luật.
Về việc bán cho VFM với giá 10 tỷ đồng, nguồn tin cho rằng, về bản chất, giao dịch này giống như việc VFM chấp nhận đứng ra xử lý kỹ thuật nhiều hơn. Các thành viên góp vốn có quyền ưu tiên mua, nhưng họ không mua thì VFM mới phải đứng ra mua và cam kết, nếu sau này thu được nhiều lợi ích hơn 10 tỷ đồng thì sẽ trả lại cho các thành viên góp vốn.
Tuy nhiên, đại diện PVcomBank cho biết, họ không tin vào tính hợp pháp của khoản đầu tư đó.
“Chúng tôi đã đề nghị được xem hợp đồng hợp tác kinh doanh, nhưng phía VFM từ chối vì lý do đã ký bảo mật. Nếu khoản này có giá trị tương ứng với tài sản thật thì không có lý do gì 10 tỷ đồng không ai mua. Với chúng tôi, không phải 10 tỷ đồng, mà 5 tỷ đồng cũng không mua, khi mình không biết nó là tài sản như thế nào, pháp lý ra sao”, đại diện PVcomBank nói về lý do không thực hiện quyền ưu tiên mua lại khoản đầu tư vào tòa nhà Sài Gòn M&C.
Vị đại diện PVcomBank cho biết, quyền sở hữu 1.000 m2 diện tích căn hộ tầng 18 tòa nhà Sài Gòn M&C (nay là Sài Gòn One Tower) gần như không có vì yếu tố pháp lý. Địa ốc Sài Gòn M&C đã đổi chủ và chủ mới đã phủ nhận hoàn toàn các giao dịch nói trên.