Sáng nay (15/1), Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm. Hơn nửa nhiệm kỳ, số kỳ họp bình thường là 6, nhưng số kỳ họp bất thường đã chạm con số 5, thì rõ ràng, đó là sự bất thường. Nhìn cả lịch sử 78 năm của Quốc hội Việt Nam, cũng chưa khi nào, Quốc hội lại họp nhiều đến thế. Đó là điều không bình thường.
Nhưng, trước ngồn ngộn yêu cầu của cuộc sống, trước đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, những bất thường đó đã dần trở nên bình thường.
“Quốc hội không chỉ phải phấn đấu ngày càng dân chủ, chuyên nghiệp, mà phải rất linh hoạt, mang theo yêu cầu, hơi thở cuộc sống, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ như thế khi việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ năm chính thức được quyết định.
“Theo yêu cầu cuộc sống thì phải làm thôi”, ông diễn đạt hết sức giản dị về sự cần thiết có thêm kỳ họp bất thường.
Đã là bất thường, tất nhiên chỉ có thể đáp ứng những yêu cầu thực sự cấp bách.
Đầu tiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã không thể thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 11/2023) như lịch trình đã định. Sự cẩn trọng này là hết sức cần thiết, bởi với vai trò hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đến mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cả về trước mắt lẫn lâu dài, thì chất lượng của Luật Đất đai (sửa đổi) phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng không thể đợi thêm hơn nửa năm nữa, đến kỳ họp bình thường lần thứ bảy (giữa năm 2024), Quốc hội mới bấm nút, bởi yêu cầu của cuộc sống đã vô cùng cấp bách.
Tương tự, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã không thể về đích đúng hẹn. Không tác động đến mọi nhà như Luật Đất đai, nhưng đây cũng là đạo luật tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng, trực tiếp tác động đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn, an ninh hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Vì thế, cẩn trọng bao nhiêu cũng có thể là chưa đủ. Song, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang gặp khó, xử lý nợ xấu đã có khoảng trống về hành lang pháp lý, đặc biệt sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng không còn là mối quan tâm của riêng các nhà chức trách, mà đã nằm trong nỗi lo của người dân và doanh nghiệp.
Thế nhưng, cho đến tận phiên họp thứ 29 (chiều 9/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Cần xem xét kỹ hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp thêm một phiên bổ sung, “nếu trình thông qua được kỳ này là tốt nhất, trường hợp bất khả kháng thì đành lùi lại”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh 2 luật, tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội còn xem xét Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Chỉ còn 2 năm nữa là các chương trình này kết thúc, nhưng những vướng mắc cần tháo gỡ đã và đang ngổn ngang trăm mối. Gỡ vướng sớm ngày nào, cũng có nghĩa, những quyết sách nhân văn, những đồng vốn quý giá sớm đi vào cuộc sống ngày đó. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dù ủng hộ mạnh mẽ tinh thần gỡ vướng “đến nơi đến chốn” của Chính phủ, nhưng vẫn cần Quốc hội “ra tay”.
Nội dung thứ tư trong chương trình nghị sự của Kỳ họp bất thường này là xem xét, bổ sung Kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công.
Trong 63.725 tỷ đồng, riêng lĩnh vực giao thông là 57.735 tỷ đồng, để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường ven biển, đường cao tốc, nút giao kết nối. Đầu tư như vậy để phát huy tối đa hiệu quả các tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác, các dự án có tính liên vùng, kết nối các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, các dự án kết nối nội vùng để thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Với ý nghĩa như thế, đồng vốn được quyết định càng sớm, thì nền kinh tế càng có thêm động lực.
Đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng chất lượng vẫn là quan trọng nhất. Yêu cầu xuyên suốt đó với các quyết sách từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã lý giải cho những bất thường đang dần trở nên bình thường, ở nghị trường.