Nghi Sơn rộng cửa đón nhà đầu tư

Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn được Chính phủ xác định là một trong 8 nhóm KKT ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã dành nguồn lực cao nhất cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội của KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp.      
Công trình biển của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Công trình biển của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Phấn đấu thành khu vực phát triển năng động

Ngày 12/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 18/2015/QĐ-TTg, về việc sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động và mở rộng KKT Nghi Sơn, đánh dấu bước phát triển mới, đồng thời khẳng định vị thế của KKT Nghi Sơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung bộ.

Cuối tháng 7/2015, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng KKT Nghi Sơn và Văn bản chấp thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Theo đó, KKT Nghi Sơn có tổng diện tích 106.000 ha, bao gồm 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước, với phần diện tích mở rộng là 47.885,77 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước.

Như vậy, diện tích KKT Nghi Sơn sẽ tăng lên gần 6 lần so với quy hoạch trước, bao gồm toàn bộ diện tích thuộc địa giới hành chính của huyện Tĩnh Gia (33 xã và 1 thị trấn, trong đó 12 xã thuộc KKT Nghi Sơn hiện hữu); 3 xã (Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính) thuộc huyện Nông Cống; 3 xã (Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc) thuộc huyện Như Thanh.

Mục tiêu phát triển của KKT Nghi Sơn nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý…

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ xây dựng KKT Nghi Sơn là nơi có môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt thuận lợi, triển khai một số công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh.

Sau năm 2020, phát triển đồng bộ về công nghiệp, dịch vụ; thương mại; tài chính; văn hóa - xã hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng trong các khu đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn cao; phát triển theo mô hình đô thị xanh và phát triển bền vững; phấn đấu trở thành khu vực phát triển năng động và hiện đại.

Giao thông thuận lợi

Trong những năm gần đây, sau khi đưa Cảng hàng không Thọ Xuân vào khai thác dân dụng, Thanh Hoá đã trở thành một trong số ít địa phương có hệ thống giao thông toàn diện, đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đối với Nghi Sơn, hệ thống giao thông kết nối đã tương đối hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Về giao thông đường bộ, KKT Nghi Sơn nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, có Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua. Khu kinh tế có hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn giữa các vùng miền trong tỉnh và khu vực.

Các trục đường giao thông nối khu đô thị trung tâm đến các khu công nghiệp và cảng Nghi Sơn, các trục Đông - Tây nối cảng Nghi Sơn với đường cao tốc Bắc - Nam.

Nghi Sơn rộng cửa đón nhà đầu tư  ảnh 1

 Từ cảng Nghi Sơn đến cảng Hải Phòng là 119 hải lý, đến cảng TP.HCM là 700 hải lý, đến cảng Hồng Kông là 650 hải lý, đến cảng Singapore là 1.280 hải lý và đến cảng Tokyo là 1.900 hải lý

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương đầu tư xây dựng tuyến đường từ KKT Nghi Sơn đi Sân bay Thọ Xuân, dài khoảng 60 km (dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật trong tháng 5/2017).

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua KKT Nghi Sơn có chiều dài trên 15 km. Trong đó, ga Khoa Trường (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) dự kiến nâng cấp mở rộng thành ga trung tâm của KKT và kết nối với cảng Nghi Sơn bằng đường sắt để thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn (trong đó, chiều dài từ ga Hà Nội đến ga Khoa Trường là 200 km; từ ga TP.HCM đến ga Khoa Trường là 1.300 km).    

Hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2016 của các doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn

Giá trị sản xuất kinh doanh đạt 33.744 tỷ đồng, tăng 30% so với 2015.

Doanh thu đạt 35.028 tỷ đồng, tăng 51% so với 2015.

Giá trị xuất khẩu đạt 715 triệu USD, tăng 23% so với 2015.
Về đường biển, cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất cả nước, với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 100.000 DWT, năng lực xếp dỡ 100 triệu tấn/năm. Hiện nay, cảng Nghi Sơn đã xây dựng và đưa vào khai thác các bến chuyên dụng của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn và 8 bến tổng hợp có khả năng đón tàu có trọng tải đến 50.000 DWT, năng lực xếp dỡ khoảng 15 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, có hàng chục bến cảng tổng hợp, bến chuyên dụng và bến container cùng khu tổng hợp hậu cần cảng đang được các nhà đầu tư triển khai xây dựng.

Về hàng không, Cảng hàng không Thọ Xuân đạt tiêu chuẩn cấp 4E, nằm cách KKT Nghi Sơn khoảng 60 km. Có 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, JetstarPacific, Vietjet Air đang khai thác tuyến bay Thanh Hóa - TP.HCM, Thanh Hóa - Nha Trang và Thanh Hóa - Buôn Ma Thuột, phục vụ hàng trăm lượt chuyến hạ, cất cánh/tuần.

Nhà ga có thể phục vụ 600 hành khách vào giờ cao điểm. Hiện nay, các hãng hàng không đang nghiên cứu mở đường bay quốc tế đi các nước trong khu vực như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác kinh tế, du lịch giữa Thanh Hóa với các nước.

Chính sách đầu tư thông thoáng

Các dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh sẽ được hưởng các mức ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…

Với phương châm “thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh”, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa quyết tâm xây dựng nền hành chính theo tinh thần “hành chính phục vụ”, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình từ trước đến trong và sau đầu tư.

Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp luôn sẵn sàng cùng doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo niềm tin của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp còn chủ động phối hợp với công đoàn và các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời nắm bắt và xử lý những vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng đình công, lãn công hoặc ngừng việc tập thể.

Đáng chú ý là, trong năm 2016, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động, nâng tổng số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp trên địa bàn khu kinh tế và khu công nghiệp (không kể khoảng 20.000 lao động đang làm việc cho các nhà thầu xây dựng trên công trường) lên 73.481 lao động, tăng 2.644 lao động so với năm 2015.

Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, luôn luôn đồng hành, cùng nhà đầu tư phát triển.

Nguyễn Văn Thi, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục