Nghị quyết ĐHCĐ Đại học Hoa Sen có trái luật?

(ĐTCK) Mâu thuẫn quan điểm hoạt động của trường đại học là vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận là nguyên nhân chính dẫn đến những tranh chấp xảy ra ngày một căng thẳng tại Trường Đại học Hoa Sen (HSU) giữa hai nhóm cổ đông.

Nhóm 30% tự tổ chức họp cổ đông bất thường

Sau khi gửi đơn yêu cầu HĐQT, Ban kiểm soát Trường đại học Hoa Sen triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2014, nhóm cổ đông đối nghịch với HĐQT đương nhiệm sốt ruột, không chờ được, đã tự đứng ra triệu tập và tổ chức Đại hội vào ngày 2/8/2014. Đại hội có lượng cổ đông đại diện cho trên 70% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, nhưng trong đó có nhiều cổ phần đang thuộc diện tranh chấp.

Đại hội biểu quyết thông qua việc bãi nhiệm 5/7 thành viên HĐQT cùng toàn bộ Ban kiểm soát đương nhiệm, ngoại trừ ông Nguyễn Trung Đức và bà Phạm Thị Thủy - là thành viên nhóm cổ đông 30%. Nhóm cổ đông đối nghịch với HĐQT cũng đưa ra những cáo buộc về sai phạm của Hiệu trưởng Nhà trường là TS. Bùi Trân Phượng, cho rằng bà Phượng đã có dấu hiệu xử lý tài chính sai quy định, gây thất thoát nhiều tỷ đồng cho Nhà trường.

Trước phản ứng mạnh mẽ của nhóm cổ đông đối nghịch với HĐQT, chiều ngày 4/8, HĐQT đương nhiệm của HSU đã tổ chức một cuộc gặp báo chí để trao đổi nhiều vấn đề xung quanh mâu thuẫn nội bộ Nhà trường.

Theo đó, cả 3 thành viên thuộc HĐQT Nhà trường là ông Trần Văn Tạo, bà Bùi Trân Phượng và ông Đỗ Sỹ Cường đều khẳng định, việc nhóm 30% cổ đông tự ý tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 2/8 vừa qua là sai luật và sai Quy chế của HSU.

Chủ tịch HĐQT Nhà trường, ông Trần Văn Tạo cho biết, ông đang gửi đơn đến các cơ quan chức năng bày tỏ quan điểm “ĐHCĐ bất thường vừa qua là không hợp lệ”, theo đó yêu cầu cơ quan chức năng xem xét và xử lý công minh.

Vì sao tranh chấp tại Đại học Hoa Sen bùng phát?

Nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ Nhà trường, theo bà Hiệu trưởng, là sự bất đồng quan điểm về lợi ích kinh tế. Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của HĐQT vào năm 2007, Trường đã có quy định cổ tức cho cổ đông chỉ trên dưới lãi suất tiết kiệm, có năm cao nhất bằng 1,5 lần lãi suất tiết kiệm.

Tuy nhiên, chênh lệch thu chi hàng năm khá lớn, nên lợi nhuận một phần được phân bổ vào Quỹ khen thưởng phúc lợi, Quỹ dự phòng, cổ tức, còn lại chuyển thành cổ phiếu thưởng. Thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu chỉ có 15 tỷ đồng, đến nay, HSU đã có vốn điều lệ 93,9 tỷ đồng, chủ yếu do nguồn cổ phiếu thưởng tạo nên.

Sự cố phát sinh khi Luật Giáo dục Đại học năm 2013 ra đời. Văn bản hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định 141) nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức, hoặc nhận lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ quy định trong từng thời kỳ”. “Điều này khiến lợi ích kinh tế của các cổ đông đã và sẽ giảm đi rất nhiều, một số thành viên không chấp nhận được”, bà Phượng nói.

Tình huống mà HSU đang vướng hiện nay có phần giống với sự việc tại Trường Đại học Hùng Vương năm 2013. Ngoài nhà đầu tư sáng lập ban đầu, Đại học Hùng Vương có thêm các nhà đầu tư mới là các tổ chức, ngân hàng với tổng vốn góp 50 tỷ đồng. Khi nhóm đầu tư mới xuất hiện, với việc sở hữu mạnh hơn về tài chính, “nhân tố mới” đã có phần lấn át những sáng lập viên.

Mâu thuẫn lợi ích đẩy Nhà trường đến hoàn cảnh hai phe đối lập: một bên là tập thể cán bộ giảng viên, một bên là nhà đầu tư (ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT và một số thành viên HĐQT đại diện quyền lợi NĐT), đến nay chưa giải quyết được.

Trao đổi với ĐTCK, bà Phượng chia sẻ, nhiều NĐT nghĩ đầu tư vào đại học là siêu lợi nhuận, từ đó đòi hỏi quyền lợi về cổ tức cao. Tuy nhiên, với quy định hiện hành và tính chất đặc thù của ngành giáo dục, đòi hỏi cao về cổ tức hàng năm là không thực thi được.

Trước những mâu thuẫn tại HSU, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, bà trông chờ kết luận từ cơ quan chức năng để sớm ổn định Nhà trường, đồng thời kỳ vọng sẽ sớm có môi trường pháp lý, cơ sở pháp lý rõ ràng quy định hoạt động tài chính của các trường đại học. Cũng theo Hiệu trưởng, HSU có tiềm lực tài chính khá mạnh và sẵn sàng thương lượng với những NĐT không còn chung mục đích “phi lợi nhuận” để mua lại cổ phần của họ, tạo điều kiện cho họ có thể thoái vốn.

Được biết, HSU hiện có gần 10.000 sinh viên, hàng năm thu học phí khoảng 50 triệu đồng/sinh viên, nếu sinh viên tham gia các chương trình đào tạo liên kết, học phí sẽ cao hơn mức này. Thu hút một lượng sinh viên lớn, với mức học phí cao như vậy, nhưng Hiệu trưởng Nhà trường chỉ sở hữu lượng cổ phiếu rất nhỏ, hiện chưa được tiết lộ.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, con dấu của HSU vẫn nằm trong tay phía Hiệu trưởng và HĐQT đương nhiệm, nhưng “cuộc chiến” của nhóm cổ đông đối nghịch, dẫn đầu là 2 cá nhân sở hữu đến 30% vốn với Ban lãnh đạo hiện tại sẽ đi về đâu, đang là câu hỏi ngỏ, bởi nguyên tắc quan trọng nhất trong CTCP là đối vốn. Theo đó, ai sở hữu nhiều hơn hoặc được nhiều cổ đông tín nhiệm hơn, sẽ nắm quyền quyết định cao hơn. 

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục