Nghị quyết ĐHCĐ bị hủy, nhiều hệ lụy

(ĐTCK) Pháp luật quy định, nghị quyết, quyết định bị khởi kiện vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi cơ quan tài phán có quyết định khác, nhưng khi cơ quan tài phán tuyên hủy, doanh nghiệp phải xử lý ra sao với các quyết định đã được thực hiện?

Tổ chức lại ĐHCĐ, DN có phải chốt lại danh sách cổ đông tham dự?

 

Những vướng mắc chưa có lời giải

Thực tế xét xử tại các tòa án, đặc biệt là TAND TP. Hà Nội và TAND TP. HCM cho thấy, có không ít vụ kiện đề nghị Tòa án tuyên hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của DN. Gần đây nhất, cuối tháng 4/2013, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện đề nghị hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2012 và nghị quyết ĐHCĐ bất thường tháng 5/2012 của CTCP Phát triển kỹ thuật và đầu tư. Xét thấy việc tổ chức và ra quyết định tại ĐHCĐ vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp như: không gửi đầy đủ tài liệu về nội dung ĐHCĐ; không bầu Ban kiểm phiếu, Chủ tịch đoàn kiêm chức năng kiểm phiếu, đưa thêm nội dung biểu quyết không đúng quy định…, nên Hội đồng xét xử đã tuyên hủy 2 nghị quyết ĐHCĐ nói trên.

Về lý thuyết, DN chỉ cần tổ chức lại ĐHCĐ cho đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định, nhưng thực tế cho thấy, có những vấn đề chưa được pháp luật quy định rõ ràng, dẫn đến khó hành xử cho các bên.

Đầu tiên, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp quy định, nghị quyết, quyết định bị khởi kiện vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi cơ quan tài phán có quyết định khác. Hoạt động của DN liên quan lợi ích của nhiều bên như người lao động, cổ đông, Nhà nước…, bởi vậy việc đưa ra quy định này nhằm đảm bảo DN hoạt động thông suốt. Nhưng thực tế, việc giải quyết một vụ kiện yêu cầu hủy nghị quyết ĐHCĐ có thể kéo dài đến 1 - 2 năm mới có bản án có hiệu lực. Trong thời gian đó, rất nhiều quyết định, giao dịch… đã được DN thực hiện. Nếu Tòa án tuyên hủy nghị quyết ĐHCĐ, trong đó có kết quả bầu cử HĐQT và Ban kiểm soát thì các quyết định, giao dịch, hợp đồng do HĐQT đó thực hiện có bị coi là vô hiệu? Chưa kể, pháp luật quy định về việc tuyên hủy nghị quyết ĐHCĐ, chứ không chỉ là một nội dung nào đó của nghị quyết, nên nhiều quyết định quan trọng khác đối với DN như: kế hoạch kinh doanh, chủ trương đầu tư, tăng vốn, chia cổ tức… trong nghị quyết sẽ bị vô hiệu theo.

Theo luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn luật sư Hà Nội, về nguyên tắc, khi nghị quyết ĐHCĐ bị tuyên hủy thì toàn bộ những quyết định, giao dịch, hợp đồng… phát sinh từ HĐQT vốn được bầu một cách bất hợp pháp cũng có thể bị Tòa án xem xét và tuyên vô hiệu, tùy mức độ của vi phạm dẫn đến nghị quyết ĐHCĐ bị tuyên hủy. Hậu quả sẽ rất nặng nề đối với công ty, cổ đông, những người liên quan, đối tác, nhất là các ngân hàng đã cho DN vay vốn, nhận thế chấp tài sản của DN, các tổ chức, cá nhân bên ngoài ký hợp đồng kinh doanh với DN, nếu coi tất cả những quyết định, giao dịch này cũng bị vô hiệu theo nghị quyết ĐHCĐ bị hủy. Nhưng nếu thừa nhận các quyết định, hợp đồng, giao dịch này là hợp pháp thì vấn đề xác định quyền lợi và trách nhiệm của cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ sẽ ra sao, trách nhiệm của những cá nhân liên quan (thành viên HĐQT, tổng giám đốc) như thế nào?

Khó khăn vẫn chưa dừng lại ngay cả khi quá trình tố tụng kết thúc. Trong trường hợp tích cực, DN mong  muốn tổ chức lại ĐHCĐ cho đúng trình tự, thủ tục đã quy định thì vẫn phát sinh nhiều vấn đề mà DN không biết phải xử lý ra sao. Cụ thể, trong thời gian quá trình tố tụng diễn ra, một bộ phận cổ đông chuyển nhượng cổ phần, khiến danh sách cổ đông hiện tại không còn giống danh sách cổ đông thời điểm ĐHCĐ lần trước được tổ chức. Liệu DN có phải chốt lại danh sách cổ đông tham dự đại hội?

“Dù ĐHCĐ được tổ chức lại, nhưng nếu các nội dung của nghị quyết không còn giống với nghị quyết trước đây thì sẽ phải xử lý ra sao với các quyết định đã được thực hiện?”, luật sư Bùi Thanh Lam đặt vấn đề.

Dù Tòa đã tuyên hủy nghị quyết, nhưng trên thực tế, cũng có DN không chịu tổ chức lại ĐHCĐ. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án cũng đành “bó tay” vì không biết phải áp dụng biện pháp nào để cưỡng chế vị Chủ tịch HĐQT/Trưởng ban Kiểm soát của DN đó phải đứng ra triệu tập cuộc họp ĐHCĐ.

 

Cần gắn với trách nhiệm cá nhân

PGS. TS. Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TP. HCM trong các nghiên cứu của mình bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Tòa kinh tế TAND Tối cao, thừa nhận tất cả các giao dịch, hợp đồng, quyết định của HĐQT là hợp pháp. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, cần phải xác định trách nhiệm của những cá nhân liên quan. Theo đó, Luật Doanh nghiệp cần bổ sung quy định: trong thời gian nghị quyết ĐHCĐ đang bị Tòa án xem xét hủy bỏ thì nó vẫn có hiệu lực pháp luật, cho đến khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án hủy bỏ nó; trong suốt thời gian này, những người thực tế đang quản lý, điều hành DN phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do hành vi không đúng pháp luật và điều lệ gây ra.

Luật sư Bùi Thanh Lam cho rằng, cần phải luật hóa theo hướng ghi nhận những giao dịch, hợp đồng, hành vi… đã và đang phát sinh một cách ngay tình từ nghị quyết ĐHCĐ bị kiện hủy đó. Trong trường hợp giao dịch, hợp đồng, hành vi đó gây bất lợi cho DN thì xem xét trách nhiệm cá nhân những người có liên quan dẫn đến việc nghị quyết bị hủy, trong đó có trách nhiệm vật chất (bồi thường) và trách nhiệm hình sự (nếu cố ý làm trái, gây thiệt hại cho cổ đông và DN).           

 

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico:

Điều 103 Luật Doanh nghiệp về thủ tục tiến hành họp và biểu quyết tại ĐHCĐ quy định quá chi tiết, thậm chí là cứng nhắc như: chủ tọa cử 1 người làm thư ký, ban kiểm phiếu không quá 3 người, chương trình họp phải xác định rõ và chi tiết thời gian đối với từng vấn đề trong nội dung họp... Luật cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng không quy định quá chi tiết về thủ tục và thể thức họp ĐHCĐ, vì thực tiễn số lượng và cơ cấu cổ đông của các CTCP rất khác nhau, nhất là đối với các CTCP đại chúng, công ty niêm yết. Luật không nên can thiệp quá sâu vào việc nội bộ của DN, hãy để nội bộ DN quyết định dựa trên nguyên tắc quan trọng nhất của CTCP là nguyên tắc đối vốn.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục