Cánh cửa rộng mở cho các doanh nghiệp
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).
Các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết 55 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách…
Một điểm nhấn được đặt ra trong Nghị quyết 55 là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển năng lượng.
Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thời gian qua, Việt Nam đã có dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ cho phát triển năng lượng.
Có thể nói, hiện khu vực tư nhân đã tạo được thế đứng nhất định trong lĩnh vực năng lượng. Ðiển hình, về điện năng, có 28% tổng công suất nguồn điện đến từ khu vực tư nhân…
Dành sự quan tâm cho năng lượng điện, Nghị quyết 55 cũng nêu rõ phải phát triển cân đối hài hòa các nguồn điện, nhưng tập trung khai thác, sử dụng hợp lý và phù hợp các nguồn năng lượng sơ cấp, hóa thạch trong nước.
Ðồng thời, tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí…
Nghị quyết 55 cũng xác định rõ các nguyên tắc để phát triển các nguồn năng lượng này một cách hiệu quả, đó là dựa trên yếu tố giá cả, công nghệ, độ an toàn.
Câu chuyện đường dài
Thực tế, suốt thời gian qua, khu vực tư nhân đã bước đầu tham gia vào phát triển năng lượng, song kết quả còn tương đối khiêm tốn.
Trong số ít doanh nghiệp đặt chân vào lĩnh vực tuy đầy tiềm năng nhưng có không ít thách thức này, Tập đoàn Geleximco được nhận định là đơn vị đi đầu với Nhà máy điện Thăng Long.
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư được xây dựng trong thời gian kỷ lục 3 năm.
Ðây là dự án nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân thực hiện và đã chính thức hòa lưới điện cả 2 tổ máy trong năm 2018.
Nhà máy được áp dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, được xem là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới với lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xử lý tro thải nhiệt điện, sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thu giữ bụi để đảm bảo hiệu quả thu bụi từ 90 - 99%. Nhà máy cũng được trang bị hệ thống xử lý các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu…
Sau khi hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, Tập đoàn Geleximco đã tính tới việc phát triển đường dài trong lĩnh vực năng lượng với những dự án mới.
Ðại diện Geleximco cho biết, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đầu tư 2 nhà máy điện rác để vừa giải quyết vấn đề rác thải tại các đô thị lớn, vừa đảm bảo có thêm nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ trương của Nghị quyết 55 có ý nghĩa lớn trong việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng về điện đang hiện hữu.
Từ đó, mở ra cơ hội rất lớn cho sự bứt phá của những cái tên như Geleximco và giúp toàn ngành năng lượng Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới.