Văn bản của hải quan cho biết: Nguyên tắc hình thành giá của công ty GM Việt Nam không thỏa mãn điều kiện thứ 2 trong 4 điều kiện được áp dụng trị giá giao dịch theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC.
Việc hình thành giá nhập khẩu hàng hóa được công ty GM Việt Nam tính toán theo giá bán ra dự kiến tại thị trường nội địa, trừ đi các chi phí phân phối và lợi nhuận hoạt động mục tiêu tại Việt Nam để đề xuất giá mua với bên bán…
Theo cơ quan hải quan, giá khai báo của phiên bản 2017, sản xuất năm 2017 mà công ty nhập về Việt Nam lại được khai báo thấp hơn phiên bản 2016, sản xuất năm 2015 và 2016 được nhập khẩu trước đó.
Văn bản của Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết: Hải quan không chỉ bác bỏ trị giá khai báo của công ty do không thỏa mãn điều kiện áp dụng trị giá giao dịch mà còn bác bỏ trị giá khai báo do công ty không giải trình được.
Đồng thời, GM cũng không chứng minh được mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá và mức xe ô tô phiên bản 2017 thấp hơn mức giá phiên bản 2016. Do đó, việc bác bỏ thực hiện theo đúng quy định tại Điều 39 Luật Quản lý thuế, Nghị định 83/2013/NĐ-CP và Thông tư 39/2015/TT-BTC.
Trao đổi với PV Dân Trí, Trưởng đại diện truyền thông của GM Việt Nam cho biết: GM Việt Nam và Tổng cục Hải quan đang phối hợp để làm rõ vụ việc, quan điểm ở đây có sự hiểu khác nhau giữa cách tính giá mỗi bên.
Tại công văn được GM Việt Nam mới gửi tới Tổng cục Hải quan, công ty này khẳng định lô hàng xe ô tô nhập khẩu của đơn vị đáp ứng các điều kiện về phương pháp trị giá khai báo giao dịch tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC.