Phương án huy động và cách thức đưa vàng vật chất thành nguồn lực sản xuất đang làm nóng nhiều diễn đàn. Ở một cách tư duy khác, việc tạo ra sản phẩm tài chính, tăng sức thu hút nguồn lực trong dân vào lưu thông, cũng có thể gián tiếp giảm việc găm vàng vật chất và giải quyết nhiều tồn tại khác trên thị trường vàng.
Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) nhận định, lượng vàng người dân tích trữ như một phương tiện để bảo vệ tài sản không nhiều, mà nhiều hơn là lượng vàng nằm trong tay dân đầu cơ.
Tại Việt Nam, cơ chế hiện nay chỉ cho giao dịch vàng vật chất khiến không gian của thị trường vàng bị bó hẹp, luôn méo mó về cung cầu và giá vàng Việt Nam luôn khác biệt, thậm chí khác biệt rất lớn với thế giới.
Trong một số giai đoạn, khi cầu cao hơn cung, Nhà nước phải bỏ ra nguồn lực ngoại tệ để nhập vàng vật chất từ nước ngoài về để cân bằng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Trên hiện trạng như vậy, trong câu chuyện bàn cách huy động nguồn vàng vật chất từ trong dân, ông Trà cho rằng, hãy tính đến việc tạo ra một công cụ tài chính, theo đó nhà đầu tư/đầu cơ không cần nắm vàng vật chất, nhưng có vị thế mua/bán theo giá vàng để hưởng lợi ích tài chính. Khi kênh đầu tư được thiết kế hiệu quả, người dân dễ dàng giao dịch sản phẩm tài chính được thiết kế trên vàng, sẽ gián tiếp cạnh tranh với cách tích trữ vàng vật chất trong dân chúng.
Việc giữ vàng vật chất trở nên kém hấp dẫn, từ đó sẽ làm giảm nguồn lực vàng “nằm im” trong các gia đình, nguồn lực tài chính sẽ được đẩy vào lưu thông mạnh hơn, tạo nên động lực thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh.
Ở khía cạnh pháp lý, Luật Chứng khoán để không gian mở cho việc phát triển các sản phẩm tài chính mới, khi quy định, chứng khoán gồm cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác. Nếu muốn câu chuyện về vàng gắn với TTCK, vấn đề tiếp theo là Chính phủ đưa ra định nghĩa công cụ tài chính khác, trong đó có sản phẩm tài chính phái sinh trên vàng.
Ở nhiều nước có thị trường tài chính phát triển, bên cạnh TTCK phái sinh, thị trường phái sinh hàng hóa cũng hoạt động mạnh mẽ, ở đó cứ sản phẩm nào hợp khẩu vị của nhà đầu tư là lên sàn. Tại Việt Nam, việc huy động vàng vật chất đang cất trữ trong dân, nếu làm thì không gian huy động cũng sẽ chỉ là nguồn vàng đang ẩn hữu hạn.
Còn nghĩ theo cách khác, tạo ra một công cụ đầu tư tài chính trên lợi thế có sẵn là hệ thống giao dịch của TTCK (chẳng hạn phát triển sản phẩm ETF vàng, hoặc các hợp đồng quyền chọn mua/bán theo giá vàng...), sẽ vừa minh bạch hóa hoạt động đầu cơ ngầm trên thị trường vàng, vừa giải quyết được thực trạng “ngắt kết nối” về giá vàng giữa Việt Nam với quốc tế và gián tiếp khiến người dân không muốn nắm giữ vàng vật chất, giảm nguồn lực đọng. Nghĩ khác về chuyện của vàng góp thêm một ý tưởng trong bài toán thúc nguồn lực xã hội vận động.