Nghị định 35: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Đây là một trong những định hướng lớn trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Hội nghị sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong quá trình hoạt động và triển khai thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP. Hội nghị sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong quá trình hoạt động và triển khai thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

Ngày 27/8, Câu lạc bộ các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế phía Bắc tổ chức Hội nghị sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong quá trình hoạt động và triển khai thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, quy định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT).

Nghị định gồm 08 Chương, 76 Điều quy định các nội dung chính. Một là, hoàn thiện quy trình quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thành lập KCN, KKT và các điều kiện có liên quan. Hai là, bảo đảm sự cân đối về phát triển KCN, KKT giữa các địa phương. Ba là, kiểm soát việc thành lập KCN trong thời gian tới, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tránh tình trạng phát triển tràn lan các KCN. Bốn là, khuyến khích phát triển loại hình KCN, KKT mới. Năm là, hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ có thể thuê lại đất trong KCN. Sáu là, giải quyết tối đa việc quy hoạch, xây dựng nhà ở và công trình công cộng cho người lao động làm việc trong KCN. Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nghị định tiếp tục kế thừa các quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, Ban Quản lý KCN, KKT và định hướng kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế ở cả trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn, một đầu mối, đủ thẩm quyền, đủ năng lực để phát triển các mô hình mới, tiếp cận phương thức quản lý nhà nước hiện đại.

Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới, bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giúp hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng với nhà đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị.

Trao đổi và nhấn mạnh đến vai trò quản lý nhà nước của các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của cả nước, ông Quân cho biết, căn cứ vào kết quả đóng góp của các khu công nghiệp, khu kinh tế vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung thì vai trò của các Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế là rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, trong thời gian vừa qua, sự tham gia của các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế trong việc tham mưu, có ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động của các khu còn chưa rõ ràng.

Ông Quân dẫn chứng, trong quá trình xây dựng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cũng chưa bám sát, tích cực tham gia có ý kiến đối với dự thảo Nghị định. Tại các cuộc họp giữa các Bộ ngành cũng chưa thể hiện vai trò là cơ quan đầu mối, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tại các địa phương.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp.

Ông Lê Thành Quân đề nghị trong thời gian tới, các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cần chủ động, tích cực, thể hiện vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động của các khu tại địa phương.

Trước mắt, cần bám sát, triển khai các nội dung của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, chủ động nghiên cứu, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp triển khai một số mô hình khu công nghiệp mới như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các khu công nghiệp và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ hai, khẩn trương xây dựng phương án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trong đó ưu tiên quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc hành lang phát triển, khu vực động lực phát triển hoặc khu vực có vai trò tương tự được xác định trong quy hoạch vùng.

Thứ ba, kiểm tra và có giải pháp hạn chế việc tăng giá, phí sử dụng hạ tầng, tiện ích công cộng đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế để giảm bớt áp lực về chi phí sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Cuối cùng, chỉ đạo thực hiện trách nhiệm giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo đúng quy định của Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Khu kinh tế được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư và đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10 nghìn dự án trong nước và gần 11 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD).

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

K.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục