Tại cuộc họp trên, các cơ quan chức năng đã bày tỏ thái độ khá gay gắt, sau khi sự việc đã kéo dài sang tháng thứ 8, với sự có mặt của rất nhiều đoàn công tác về Đồng Nai làm việc, nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam là người “nổ phát súng đầu tiên” tại Hội nghị về vấn đề này, khi đặt câu hỏi, có hay không hành vi ăn hối lộ, lợi ích nhóm.
Ông Thúy cho rằng, những vi phạm tại Công ty Thuận Phong khi thanh tra, thẩm tra, báo cáo có dấu hiệu sai lệch so với hiện trường, những yếu tố quan trọng để cấu thành tội phạm thì được che giấu, khiến đoàn kiểm tra dù họp 2-3 lần vẫn không thể kết luận.
Tiếp lời của ông Thúy, ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cũng phản ứng gay gắt về cách làm việc của cơ quan điều tra Đồng Nai.
“Vụ Thuận Phong, chúng tôi bắt quả tang tại chỗ những vi phạm, đội công an đầu tiên bảo chuyển ngay cho chúng tôi để chúng tôi bắt quả tang, nhưng sau vài cú điện thoại không hiểu thế nào lại có chỉ đạo… từ từ”, ông Hùng lắc đầu ngao ngán.
Trước sự có mặt của Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), ông Hùng giãi bày: “Nhiều cán bộ điều tra ở những địa phương khác tâm sự với tôi rằng, nếu ở địa phương em thì bắt lâu rồi”.
Với thái độ thẳng thắn trước toàn Hội nghị, ông Hùng nói: “Phía Thuận Phong đã cử người đến gặp tôi để hối lộ không được, gặp anh Được, Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng hối lộ không được, thì chuyển sang vu cáo bôi nhọ”.
Ông Vũ Đại Dương, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), người đã có mặt trong cả 3 lần các Đoàn Trung ương về làm việc với các cơ quan Đồng Nai cho rằng, sự việc Thuận Phong thực ra không quá phức tạp.
“Nhãn hàng hóa của Thuận Phong là giả, vì vậy sản phẩm của Thuận Phong là hàng giả, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kết luận bằng văn bản trước đây”.
Ông Dương cũng cho biết thêm, vừa qua, tại cuộc họp do Bộ Công an chủ trì, trong báo cáo Công an Đồng Nai đưa ra có cho rằng, ngay tại các văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng “đá” nhau, khi nhắc đến văn bản trả lời của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, báo cáo Phó thủ tướng, ông Dương cho biết, đã lưu ý cơ quan điều tra Đồng Nai vấn đề này về sự khác nhau giữa nhãn hiệu và nhãn hàng hóa.
Trong một diễn biến khác, tại Báo cáo của Thanh tra Bộ Quốc phòng về cuộc họp giữa các cơ quan Trung ương với các cơ quan chức năng Đồng Nai do Bộ Công an chủ trì diễn ra tháng 11 vừa qua, nêu rõ, công an Đồng Nai chưa làm rõ 8 ý kiến kết luận của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh tại cuộc họp ngày 27/8; chưa xác định được rõ các hành vi sai phạm của Công ty Thuận Phong mà công an tỉnh đã đề nghị không xử lý hình sự, chuyển sang xử lý hành chính là chưa thật sự chính xác, đúng pháp luật.
Báo cáo cũng kiến nghị, đến nay, cơ quan công an Đồng Nai đã làm hết khả năng, nhưng chưa đạt được sự đồng thuận cao với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, vậy đề nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia xem xét chuyển vụ việc cho Tổng cục An ninh (Bộ Công an) điều tra, xử lý.
Quay lại cuộc họp, trước ý kiến của các đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tỏ ra hết sức bức xúc :“Sự việc rõ như ban ngày, tại sao không xử lý đến nơi đến chốn được”?
“Vấn đề như vậy mà cứ bao che, đề nghị anh Lộc phải báo cáo lại cho các đồng chí cơ quan cảnh sát điều tra biết việc này, một cách đầy đủ các ý kiến của cơ quan chức năng phát biểu hôm nay. Không có ai có thể bao che được, nếu nó là sự thật”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Trong kết luận, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần sớm đưa ra kết luận vụ Thuận Phong, một vụ việc đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.