Nghi án lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều Việt Nam: Chứng từ gốc bất ngờ xuất hiện trong tay… người lạ

0:00 / 0:00
0:00
Trong “nghi án” các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam bị lừa mất 36 container hàng xuất khẩu vì hồ sơ gốc “bốc hơi” đã xuất hiện người nước ngoài mang chứng từ này tới nhận hàng.
Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới, nên ngành điều có thể là đích nhắm của tổ chức tội phạm quốc tế. Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới, nên ngành điều có thể là đích nhắm của tổ chức tội phạm quốc tế.

“Tia sáng cuối đường hầm” chưa xuất hiện

“Đến thời điểm hiện tại, một số container cập cảng và đã có một người Italia đăng ký, mang hồ sơ gốc đến để nhận hàng. Vinacas (Hiệp hội Điều Việt Nam - PV) cũng đã biết được tên người nhận hàng. Tham tán Việt Nam bên Italia sau khi nhận được công văn hỏa tốc của Vinacas đã trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương khu vực cảng và Ban Quản lý cảng cũng như hãng tàu, tạm thời giữ hàng lại chưa giao, nên tạm thời container hàng này chưa được lấy ra”, đại diện Vinacas công bố.

Theo phương thức thanh toán nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P) trong thương mại quốc tế mà 5 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam áp dụng ở thương vụ này, thì chỉ khi giao tiền ngay cho ngân hàng phía nhập khẩu (để chuyển giao cho các ngân hàng Việt Nam chi trả cho nhà xuất khẩu), khách hàng mới được giao chứng từ gốc để đi nhận hàng từ hãng vận chuyển.

Đây là vụ lừa đảo lớn nhất được ghi nhận trong ngành điều hơn 30 năm nay. Trước giờ, trên thương trường, những dạng lừa đảo kiểu này là có, nhưng đơn lẻ, không đồng loạt như lần này. Với các doanh nghiệp bị hại, nếu bị mất hàng, thì thiệt hại không nhỏ.

- Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Vinacas.

Nhưng đến thời điểm này, các ngân hàng Việt Nam chưa hề nhận được tiền chuyển. Còn ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ thì thông báo rằng, người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ, nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam. Trong khi đó, ngân hàng tại Italia thì thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng, họ đã nhận được bộ chứng từ, nhưng là các bản copy, không phải bản gốc.

Như vậy, bộ chứng từ gốc đã lọt vào tay kẻ lạ. Điều đó chứng tỏ, vụ lừa đảo này không còn là “nghi án”.

Việc xuất hiện người cầm chứng từ gốc đến nhận hàng có phải là “tia sáng cuối đường hầm” cho doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam, để có thể giữ được hàng?

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Vinacas lắc đầu: “Tạm thời container này chưa được lấy ra, nhưng về nguyên tắc, người nào đang nắm bộ chứng từ gốc đó sẽ lấy được hàng ra”.

Về vấn đề này, đại diện Hãng tàu Cosco (một trong 4 hãng tàu quốc tế vận chuyển đơn hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam) cho biết, theo thông lệ quốc tế, khi hàng đến cảng, ai mang bộ chứng từ gốc đến nhận, thì hãng tàu phải giao hàng cho người đó, nếu không giao có thể bị đưa ra tòa và hãng tàu sẽ thua kiện. Văn phòng chính của Cosco, các chi nhánh, kể cả chi nhánh tại Việt Nam và Italia, đều phải làm theo thông lệ quốc tế.

Vì vậy, Cosco tư vấn cho các doanh nghiệp cần đưa vụ việc này lên tòa án hoặc các trung tâm trọng tài quốc tế áp dụng biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, theo ông Bạch Khánh Nhựt, trong tháng 3 này, container hạt điều của doanh nghiệp Việt sẽ “tràn ngập các cảng”, nghĩa là thời gian quá gấp và quá ngắn, không đủ cho tất cả các bên hoàn thành các thủ tục, hồ sơ để ngăn chặn kịp thời.

Chứng từ gốc có dễ lọt?

Một bộ chứng từ gốc lọt vào tay người lạ, trong khi tiền chưa giao, cũng có nghĩa là, hàng loạt bộ chứng từ khác liên quan 36 container hạt điều trị giá hơn 162 tỷ đồng của doanh nghiệp Việt Nam có thể chung số phận. Như vậy, đây không còn là “nghi án lừa đảo” nữa, mà đã rõ ràng.

Vinacas cho rằng, tổ chức lừa đảo này hết sức tinh vi, hiểu rất rõ các doanh nghiệp điều ở Việt Nam và đã nghiên cứu kỹ đường đi, nước bước giao nhận vận chuyển hàng hóa, chứng từ. Bởi vì, có nhiều dấu hiệu thể hiện điều này.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Hồng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Italia - Việt Nam tại Torino (Italia) cho rằng, đây là vụ nghi lừa đảo rất tinh vi và trước đây đã từng xảy ra vụ việc tương tự với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hải sản sang Italia.Với vụ việc này, bên xuất khẩu Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện thư ủy quyền cho luật sư tại Italia chuyên về xuất nhập khẩu và có thể thông qua Đại sứ quán Italia, hoặc Tổng lãnh sự quán Italia tại Việt Nam để xác nhận. Khi luật sư nhận được thư ủy quyền sẽ tới cơ quan cảnh sát kinh tế của nước sở tại để trình báo về vụ lừa đảo này với các bằng chứng ngân hàng hai bên đã liên hệ với nhau. Với việc khai báo tại cơ quan cảnh sát, có thể dừng việc thông quan các container này lại.

Đầu tiên, mức giá hợp đồng không quá cao, nhưng thời điểm giao hàng là từ tháng 2/2022, tức là thời điểm sau Tết Nguyên đán ở nước ta, giao dịch rất hạn chế. Như vậy, người mua đã đánh đúng tâm lý muốn bán được hàng trong lúc này.

Tiếp đến, kẻ lừa đảo rải ra mua hàng của nhiều doanh nghiệp và nhiều đợt, chứ không tập trung vào một đơn vị, một khối lượng nhất định.

Kẻ lừa đảo còn chuẩn bị rất kỹ về thông tin, bởi khi tra cứu về người mua và cả hệ thống ngân hàng tại Italia, thì đều có thông tin chính xác trên các website. Bên cạnh đó, địa điểm giao hàng đều là các cảng nằm xa trung tâm…

Tổng hợp tất cả dữ liệu từ các bên (Vinacas, doanh nghiệp, ngân hàng…) cho thấy, mấu chốt vụ án là con đường đi tới tay kẻ lạ của bộ chứng từ gốc - hồ sơ quyết định “sống còn” trong thanh toán D/P.

Ở vụ việc này, đường đi của bộ chứng từ gốc bắt đầu từ doanh nghiệp, chuyển tới các ngân hàng Việt Nam, rồi ngân hàng chuyển cho hãng vận chuyển DHL để giao tới các ngân hàng bên Italia do nhà nhập khẩu cung cấp.

Có hàng loạt nghi vấn đang được đặt ra. Đó là nghi vấn cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cố tình gửi chứng từ photocopy để mưu toan khác. Nhưng nghi vấn này rất thiếu cơ sở, bởi tiền chưa nhận, nhưng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp đã lên đường trước, nếu lừa gạt, thì doanh nghiệp Việt không chỉ không nhận được tiền hàng, mà còn vô cùng tốn kém chi phí cho ngân hàng ủy thác, cho hãng vận chuyển và những rủi ro cho hàng hóa trên biển, trong khi việc khiếu kiện quốc tế ngày càng khó khăn.

Nghi vấn khác thì cho rằng, chứng từ gốc bị đánh tráo ở khâu vận chuyển từ các ngân hàng Việt Nam tới hãng vận chuyển DHL, hoặc từ hãng này tới các ngân hàng bên Italia. Tuy nhiên, thanh toán D/P không còn xa lạ với các ngân hàng Việt Nam và trong quá trình làm việc với Vinacas khi sự việc xảy ra, các ngân hàng đều khẳng định, việc chứng từ gốc bị đánh tráo là không thể xảy ra, bởi quy trình giao nhận rất chặt chẽ.

DHL là hãng vận chuyển hàng hóa và cung cấp các giải pháp về logistics quốc tế uy tín, lâu năm, nên cũng không dễ gì để cá nhân trong hệ thống đại lý liên kết với tội phạm quốc tế.

Tương tự, rất ít khả năng ngân hàng bên Italia liên kết với tội phạm giả nhận chứng từ photocopy và giao chứng từ gốc cho kẻ lừa đảo.

Một số doanh nghiệp đặt nghi ngờ, Công ty Kim Hạnh Việt (đơn vị môi giới) chủ trì phi vụ này, nhưng Kim Hạnh Việt lại không phải đơn vị vận chuyển giao nhận chứng từ gốc.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Công ty Kim Hạnh Việt đã hoạt động trong lĩnh vực này 10 năm, cả ở mặt hàng hạt điều nhân và hạt điều thô. Trong 10 năm qua, chưa có một thông tin nào, tố cáo nào để có thể cảnh báo cho các doanh nghiệp rằng công ty này có động thái tiếp tay cho lừa đảo. Để lấy được bộ chứng từ này giao cho phía kẻ lừa đảo để lấy hàng, thì Công ty Kim Hạnh Việt phải xây dựng được “dây chuyền” không chỉ ở Italia, mà cả trong hệ thống vận chuyển. Điều này khó có thể xảy ra đối với hãng DHL.

Cần sự vào cuộc điều tra của cơ quan chuyên môn

Các động thái của cơ quan liên quan hiện nay chỉ là kêu cứu, nhờ cậy các bộ, ngành và thương vụ tại nước ngoài, hãng vận chuyển… để can thiệp ngăn chặn giao hàng; loay hoay tìm các hướng kiện ra Tòa án quốc tế hoặc Trọng tài quốc tế.

Theo một chuyên gia luật, các giải pháp trên đang mang tính dân sự, tức thời. Đặc biệt, việc khởi kiện ra Tòa án quốc tế hay nhờ Trọng tài phán quyết không chỉ không đủ thời gian (vì không kịp chuẩn bị hồ sơ chứng lý, thủ tục), mà hơn nữa là… trật đối tượng.

Lý do là, việc kiện tụng này chỉ áp dụng trong tranh chấp thương mại giữa người mua - kẻ bán, trong khi đây là vụ lừa đảo, tức phải là án hình sự, phải cần một cơ quan chuyên môn như Công an để điều tra đối với phía Việt Nam và liên kết với tổ chức chống tội phạm quốc tế để điều tra ngoài phạm vi.

Theo đó, trước mắt, việc huy động lực lượng điều tra chuyên môn ở Việt Nam là cần thiết. Lý do là, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới, thậm chí chi phối giá cả trên thị trường quốc tế, nên ngành điều Việt Nam có thể là đích nhắm của các tổ chức tội phạm quốc tế.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục