Nghệ thuật tổ chức đại hội đồng cổ đông

(ĐTCK) Nhiều chuyện lớn của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quyền lực giữa các nhóm cổ đông thường “nóng” lên mỗi khi mùa Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) đến. Ðể cuộc chiến quyền lực “hạ nhiệt”, nghệ thuật tổ chức đại hội đôi khi chỉ đơn giản là Ban lãnh đạo biết cách vận dụng 1 quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành.
Nghệ thuật tổ chức đại hội đồng cổ đông

Năm 2016, thị trường chứng kiến nhiều cuộc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và song hành cùng với động thái này là sự “thay máu” nhân sự lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp. Ðã có không ít câu chuyện cho thấy, nhóm cổ đông mới chiếm được quyền kiểm soát doanh nghiệp lại không phải là những cổ đông nắm sở hữu chi phối. Có nơi, nhóm cổ đông sở hữu tới 20% vốn doanh nghiệp, vẫn không thể có cho mình 1 ghế trong hội đồng quản trị công ty.

Tại sao lại như vậy? Cách lách trong tình huống này chính là việc Ban lãnh đạo đương nhiệm “vận dụng khéo” quy định của Luật Doanh nghiệp về điều kiện đề cử, ứng cử thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát để lựa chọn thời điểm tổ chức đại hội khi Luật quy định, những người muốn đề cử, ứng cử phải đảm bảo nắm giữ cổ phiếu liên tục từ 6 tháng trở lên.

Riêng với ngành ngân hàng, với việc bầu chọn nhân sự lãnh đạo còn chặt chẽ hơn, bởi để “có chân” trong Hội đồng quản trị, cổ đông/nhóm cổ đông lớn không chỉ phải đáp ứng yêu cầu sở hữu liên tục 6 tháng trở lên, mà còn phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi được vào danh sách bầu cử.

Với quy định như trên, trong cuộc chiến thâu tóm quyền lực tại doanh nghiệp, những cổ đông mới nếu không có sự ủng hộ của Ban lãnh đạo hiện hành, sẽ khó thành công, cho dù sở hữu lớn.

Việc đồng thuận giữa cổ đông mới với Ban lãnh đạo cũ là không trái luật, nhất là khi quy định hiện hành trao quyền đề cử cho Hội đồng quản trị đương nhiệm đề cử ứng viên mới, trong tình huống bầu mới Hội đồng quản trị nhưng không có ứng viên tự ứng cử, hoặc được giới thiệu hợp lệ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, luật quy định như vậy tức là trao cho Ban lãnh đạo đương nhiệm cơ hội ứng xử không công bằng giữa các nhóm cổ đông khi sở hữu của các nhóm không chênh lệch lớn và các nhóm cùng “nhăm nhe” thâu tóm doanh nghiệp.

Quy định nắm giữ liên tục 6 tháng trở lên, cổ đông/nhóm cổ đông mới được đề cử người tham gia hội đồng quản trị/Ban kiểm soát đã giúp doanh nghiệp tránh được những xáo trộn, bất ổn từ sự tham gia của các cổ đông lớn, xuất hiện bất ngờ.

Nhìn qua, dễ thấy đây chỉ là điều khoản mang tính kỹ thuật, nhưng khi áp dụng trong thực tiễn, lại cho thấy đây là công cụ không ít “lợi hại” cho ban lãnh đạo đương nhiệm, cũng như nhóm cổ đông muốn thâu tóm quyền lực tại các doanh nghiệp đại chúng.

Bên cạnh việc sử dụng “kỹ thuật 6 tháng”, để bảo vệ mình, một số doanh nghiệp đã đưa ra những điều khoản không dễ dàng cho nhóm cổ đông mới tham gia ứng cử, như quy định, muốn ứng cử phải là người lao động tại doanh nghiệp ít nhất 3 năm, hoặc làm lãnh đạo doanh nghiệp ít nhất 2 năm hoặc phải được Ban lãnh đạo đương nhiệm đồng thuận…

Trong tương tác giữa cổ đông và doanh nghiệp, chắc chắn sẽ có nhiều chuyện thú vị trong mùa đại hội 2017 đang bắt đầu.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục