Nhiều chuyên gia quốc tế tuần qua cho rằng việc Triều Tiên đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump là một hành động "giữ thể diện" hoặc tái áp dụng cách thức thay đổi chiến thuật bất ngờ khi đàm phán cùng các quốc gia khác.
Tuy nhiên, Fred Kaplan, bình luận viên kỳ cựu của Slate, cho rằng lời đe dọa lần này không phải là "bổn cũ soạn lại", mà nó hoàn toàn phù hợp với những tuyên bố Kim Jong-un đưa ra gần đây và thể hiện khả năng lèo lái cuộc chơi của lãnh đạo này trước thềm sự kiện lịch sử có thể thay đổi bộ mặt bán đảo Triều Tiên.
Ngay từ khi ý tưởng về cuộc gặp Trump – Kim mới được khởi xướng, các quan chức chính quyền Bình Nhưỡng đã tuyên bố rõ ràng rằng mục đích của bất cứ cuộc thảo luận nào đều phải tập trung vào việc "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", nghĩa là tất cả các lực lượng có năng lực hạt nhân trên bán đảo chứ không phải chỉ mỗi Triều Tiên.
Việc này cần được thực hiện bằng "các biện pháp đồng bộ, theo giai đoạn", tức là chúng phải thực hiện từ từ với sự nhượng bộ đồng thời của các bên trong thời gian dài.
Nhưng các quan chức chính quyền Tổng thống Trump dường như chưa nắm rõ ý định này của Triều Tiên. John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia nổi tiếng diều hâu của Trump, gần đây tuyên bố chỉ sau khi Triều Tiên phá hủy toàn bộ kho đầu đạn hạt nhân cùng các tên lửa đạn đạo và vũ khí hóa học, Mỹ mới đưa ra các khoản đầu tư và hỗ trợ kinh tế để giúp nước này phát triển.
Bolton thậm chí còn nêu ra "mô hình Libya" để gợi ý cho Triều Tiên về quy trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Gợi ý của Bolton vấp phải phản ứng dữ dội từ Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-Gwan, người gọi ý tưởng này là "hoàn toàn vô lý".
Theo Thứ trưởng Kim, tuyên bố của Bolton không phải là sự thể hiện mong muốn giải quyết vấn đề bằng đối thoại, mà chỉ là "tính toán nham hiểm nhằm biến Triều Tiên thành Libya hay Iraq thứ hai", những quốc gia từng sụp đổ dưới sức ép của nước lớn.
Lập luận này của chính quyền Bình Nhưỡng lập tức nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà phân tích quốc tế, bởi lịch sử cho thấy sau khi lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi hay tổng thống Iraq Saddam Hussein đồng ý với các biện pháp giải trừ vũ khí của Mỹ, họ đều chịu những kết cục rất bi thảm.
Theo Kaplan, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un biết cách kiểm soát tình hình để quốc gia này không lặp lại thảm kịch ở Libya hay Iraq.
Lời đe dọa "không hứng thú với đối thoại và xem xét lại việc tham dự cuộc gặp thượng đỉnh" nếu Mỹ vẫn tiếp tục dồn Triều Tiên "vào chân tường để buộc phải đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân" mà ông Kim đưa ra không hẳn là không có lý, bình luận viên này nhận định.
Với tuyên bố mang tính răn đe này, trong trường hợp cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim bị hủy hoặc hoãn, Triều Tiên vẫn có thể khẳng định rằng họ đã đưa ra lời đề nghị chân thành, đề xuất biện pháp đàm phán theo thông lệ quốc tế, mọi thứ đổ vỡ đều là do những đòi hỏi "vô lý" do Mỹ đưa ra.
Kim Jong-un đã cho thế giới thấy rằng các biện pháp mà Triều Tiên thực hiện trước thềm cuộc gặp đều rất thiện chí, như họp thượng đỉnh với Hàn Quốc, chuẩn bị đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri, hay phóng thích ba tù nhân Mỹ.
Trong khi đó, tất cả những gì chính quyền Trump chuẩn bị cho cuộc gặp chỉ là những lời hứa hẹn về lợi ích kinh tế và ngay sau đó là cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, động thái từ lâu đã bị Triều Tiên chỉ trích mạnh mẽ.
"Bằng cách vẫn thực hiện cuộc tập trận trong tình hình như vậy, có vẻ như Mỹ không hiểu mình đang làm gì", một độc giả bình luận trên LATimes. "Trong trường hợp này, Triều Tiên đang dạy cho Mỹ một bài học về ngoại giao".
Khi cuộc gặp với Trump bất thành, Triều Tiên vẫn có thể khởi động các tiến trình đàm phán hòa bình riêng rẽ với Hàn Quốc, quốc gia vốn đang rất khát khao hòa giải với Bình Nhưỡng.
Kim Jong-un lúc đó vẫn có thể giữ lại "thanh gươm hạt nhân hộ quốc", vừa tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời làm suy yếu mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là khi Trump vẫn nghe theo quan điểm diều hâu của Bolton.
Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) gặp nhau ở Panmunjom hôm 27/4. Ảnh: Reuters.
Lúc đó, Trump sẽ khó có thể hiện thực hóa lời đe dọa "lửa và thịnh nộ" với Triều Tiên, bởi ông sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía đồng minh Hàn Quốc. Bất cứ cuộc chiến nào nổ ra trên bán đảo cũng có thể cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người Hàn Quốc.
Trong trường hợp nếu Trump vẫn muốn có một cuộc đàm phán lịch sử với Kim Jong-un để đạt được thỏa thuận mà ông từng tự ca ngợi là "xứng đáng với giải Nobel Hòa bình", Tổng thống Mỹ buộc phải phớt lờ quan điểm cứng rắn của cố vấn Bolton.
Điều này rõ ràng sẽ gây ra chia rẽ trong nội bộ Nhà Trắng, có thể khiến chính quyền Trump không ngả theo hướng "diều hâu".
Kim Jong-un dường như nhận ra rằng Trump đang rất khát khao đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên, điều có thể đánh dấu thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông.
Bất cứ thỏa thuận nào với Triều Tiên cũng có thể cải thiện hình ảnh của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ tới đây.
Trong bất cứ kịch bản nào, một điều ngày càng trở nên rõ ràng là Kim Jong-un mới là người đang ở vị thế lèo lái nội dung cuộc gặp thượng đỉnh với Trump. Lãnh đạo này đã đưa ra một thông điệp ngầm rằng Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và không ai có thể thay đổi điều đó bằng những lời hứa hẹn hão huyền.
"Trump dường như đã thất thế ngay từ khi cuộc chơi chưa bắt đầu, khi thể hiện khát khao chiến thắng mà không nghiên cứu kỹ tình hình cũng như đối thủ", Kaplan nhận xét. "Ông đã để Kim Jong-un định hình cuộc chơi và đề ra quy tắc".