BCTN 2013 - sự đột phá về hình thức thể hiện
Năm 2013, nhiều DN tỏ ra băn khoăn khi lựa chọn hình ảnh thể hiện cho BCTN, bởi có quá nhiều hình ảnh trùng lắp giữa các báo cáo như con thuyền, con đường, dòng nước…
Đó là thách thức để các đơn vị thiết kế như Lập Phương không ngừng tìm tòi, biến tấu những hình ảnh quen thuộc thành những hình ảnh mới mẻ, trong khi vẫn thể hiện đầy đủ ý nghĩa mà DN mong muốn. Thay vì dùng hình ảnh thông thường, DN có thể lựa chọn hình thức thể hiện bằng hình vẽ hay phong cách thiết kế dạng Infographic với biểu tượng, ký hiệu, biểu đồ thông tin… để truyền tải thông điệp. Đây được xem là một bước đột phá mới trong phong cách thiết kế BCTN năm 2013 và thêm nhiều lựa chọn cho các DN trong việc thực hiện BCTN năm 2014.
Doanh nghiệp phải phối hợp nhịp nhàng với đơn vị thiết kế
Khác với các ngành nghề khác, việc thiết kế BCTN luôn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa DN và đơn vị thiết kế. Chính vì thế, khi thực hiện BCTN, DN cần xác định trước thông điệp muốn chuyển tải đến cổ đông để đơn vị thiết kế lên ý tưởng xuyên suốt, phù hợp, từ đó xây dựng đề cương cho toàn bộ cuốn BCTN nhằm làm cơ sở để DN cung cấp nội dung một cách đầy đủ nhất.
DN cũng cần hiểu rằng, khâu chuẩn bị nội dung là rất quan trọng, bởi thiết kế đẹp nhưng nội dung sơ sài, thông tin không rõ ràng và không thấy được định hướng phát triển của DN, thì không thể được đánh giá cao. Một BCTN tốt phải đầy đủ nội dung theo quy định, thông tin phải chính xác, minh bạch. Nhiệm vụ của đơn vị thiết kế là sắp xếp các thông tin, con số một cách đẹp mắt, rõ ràng, dễ hiểu và dễ tiếp nhận nhất. Do đó, cả DN và đơn vị thiết kế đều có trách nhiệm đầu tư về nội dung, mỹ thuật và góp ý bổ sung cho nhau để cùng hoàn thiện BCTN.
Nghệ thuật từ những bàn tay khéo léo
Thoạt nhìn, thiết kế BCTN không đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ như các loại hình thiết kế nghệ thuật khác, thế nhưng khi bắt tay vào việc, chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu hết tính chất của công việc này. Việc tìm kiếm một hình ảnh đẹp, phù hợp với nội dung sẽ trở nên dễ dàng hơn khi phác họa ý tưởng bằng nét vẽ hay cắt ghép hình ảnh để cho ra đời một bức tranh chuyển tải thông điệp đến nhà đầu tư và cổ đông. Đó là kinh nghiệm của Lập Phương khi xây dựng ý tưởng và thực hiện BCTN cho Đạm Phú Mỹ.
Năm 2013, Đạm Phú Mỹ mong muốn Lập Phương xây dựng một ý tưởng độc đáo, mới lạ và sử dụng hình ảnh khác biệt để thể hiện chặng đường phát triển mới. Điều này khiến Lập Phương trăn trở rất nhiều trong việc lên ý tưởng và không ngừng phát huy sự sáng tạo để đưa ra giải pháp hoàn mỹ nhất.
Xuất phát từ lĩnh vực kinh doanh của Đạm Phú Mỹ là cung cấp phân bón phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, Lập Phương đã có ý tưởng dùng chính những sản phẩm nông nghiệp như: hạt thóc, đậu đỏ, đậu xanh, mè… để xếp thành những bức tranh nghệ thuật. Chúng tôi bắt đầu công việc bằng cách tìm kiếm hạt giống ở các chợ, các cửa hàng bán hạt giống cây trồng để lựa chọn những hạt giống chất lượng và đẹp nhất, sau đó tiến hành phác họa bằng nét vẽ trên giấy và cặm cụi xếp thành những bức tranh về hình ảnh con đường mở lối phía trước, chiếc máy cày với lá cờ Đạm Phú Mỹ tiên phong, nhà máy Đạm Phú Mỹ đang hoạt động sản xuất… Mỗi hình ảnh là một câu chuyện về chặng đường phát triển mới của Đạm Phú Mỹ gắn liền với công sức từ những bàn tay nghệ thuật cần mẫn, tỉ mỉ trong từng đường nét. Công việc đó không chỉ đòi hỏi óc sáng tạo, mà cần cả một cái tâm luôn cống hiến hết mình vì nghệ thuật của những tài năng trẻ, đầy năng động của Lập Phương. Đó cũng chính là thế mạnh giúp Lập Phương in đậm dấu ấn trong cuộc thi BCTN hàng năm, cũng như đón nhận được sự tin tưởng của khách hàng trong suốt thời gian qua.