Nghệ thuật 'chơi đùa' với truyền thông của Donald Trump

Donald Trump liên tục gây sự chú ý để luôn giữ độ "phủ sóng" trên truyền thông và thậm chí còn chơi khăm họ.
 Donald Trump chào đám đông tập trung ở sảnh tòa nhà củaNew York Times ngày 22/11. Ảnh: Reuters Donald Trump chào đám đông tập trung ở sảnh tòa nhà củaNew York Times ngày 22/11. Ảnh: Reuters
Trong khoảng thời gian chỉ 24 giờ vào tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tạo ra những cơn lốc xoáy cho thấy trước những điều kịch tính mà ông có khả năng mang tới Nhà Trắng.

Ông Trump đã triệu tập hai chục nhà điều hành truyền hình và người dẫn chương trình tin tức đến văn phòng vào ngày 21/11 để trách móc họ là không trung thực. Ông gợi ý chính phủ Anh bổ nhiệm thủ lĩnh Brexit (phong trào đưa Anh rời khỏi EU) Nigel Farage làm đại sứ tại Mỹ. Ông bỏ lời đe dọa truy tố đối thủ Dân chủ Hillary Clinton mặc dù "nhốt bà ta vào tù" từng là một trong những khẩu hiệu vang lên nhiều nhất tại chiến dịch tranh cử của ông.

Sau đó, ngày 22/11, ông Trump có cuộc gặp với New York Times, tờ báo ông từng nhạo báng là "ngày càng lụi tàn". Thời gian cuộc gặp liên tục bị thay đổi. Trong cuộc gặp, ông dịu giọng về biến đổi khí hậu, bỏ ngỏ ý tưởng rằng con rể mình có thể làm trung gian hòa bình ở Trung Đông, đưa ra nghi ngờ mới về hiệu quả của việc tra tấn nghi phạm khủng bố, chỉ trích đảng viên Cộng hòa từng nghi ngờ ông và vẫn không nói rõ bằng cách nào hay liệu ông có tách mình khỏi đế chế kinh doanh toàn cầu để tránh xung đột lợi ích hay không.

Chào mừng đến với thế giới của Trump, một bộ phim kịch tính không có hồi kết, trong đó diễn viên đi từ tranh cãi này đến tranh cãi khác với một loạt bài đăng trên Twitter và những bình luận bột phát với giới truyền thông, Philip Rucker, nhà bình luận của Washington Post, viết.

Điều này có thể trở thành điều thường ngày ở Washington khi tỷ phú dọn vào Nhà Trắng. "Ông ấy giống như nhân vật trong tiểu thuyết", Sam Nunberg, một cựu cố vấn của ông Trump nói. "Người Mỹ chưa từng có một ông trùm - một doanh nhân thành công, nổi tiếng, hiểu rõ báo lá cải và truyền thông và kiếm lợi ích từ họ", Nunberg nói.

Sean Wilentz, một nhà sử học về tổng thống tại Đại học Princeton, nói rằng "sự náo động như chương trình thực tế" mà ông Trump mang đến là nổi bật và chưa có tiền lệ. "Chưa hề có tổng thống đắc cử chứ đừng nói đến tổng thống lại mang đến nhiều sự kịch tính như ông Trump", ông nói. "5 cuộc khủng hoảng trong một ngày - và còn nhiều đợt sóng khác sắp tới".

Qua hơn 4 thập kỷ trên thương trường, ông Trump là người phá vỡ quy tắc khó thể đoán trước và có phần ranh mãnh. Ông thích kể lại việc mình từng là cậu học trò hư, việc ông thuyết phục được các ngân hàng giữ quyền kiểm soát của ông với đế chế casino ngay cả sau khi công ty hứng chịu một loạt vụ phá sản.

"Cứ được truyền thông chú ý là tốt", luật sư Roy Cohn, người từng cố vấn cho ông Trump, đã nói. Ông Trump khắc sâu lời khuyên đó, cung cấp cho phóng viên một nguồn tin tức ổn định những câu chuyện về cuộc sống "dân chơi", phong cách kinh doanh nổi loạn, lập trường gây tranh cãi và các thị phi khác. Năm 1990, khi các báo lá cải liên tục đưa tin về cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ của ông Trump, tỷ phú nói rằng: "Buổi biểu diễn là của Trump và ở đâu cũng cháy vé".

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump dường như không quá khó chịu hay lúng túng khi bị báo chí "bóc mẽ" rằng ông đưa ra các quan điểm mâu thuẫn với chính mình về các vấn đề như phá thai hay chiến tranh Iraq. "Ai quan tâm đến điều tôi nói 10 năm trước đây?", ông hỏi trong một cuộc phỏng vấn tháng 6 với Washington Post. "Chẳng ai, ngoại trừ các anh", tỷ phú nói.

Ông Trump đã giải thích rằng khi ông nói chuyện với đám đông tại các cuộc vận động, ông thường không nhìn xuống phía khán giả mà nhìn vào các máy quay truyền hình, kiểm tra xem đèn đỏ trên các máy quay có sáng không, tức là lời nói của ông có được phát sóng trên truyền hình hay không.

"Tôi sẽ nói điều gì đó mới để giữ cho đèn đỏ đó sáng mãi", ông Trump nói - và nếu điều đó mâu thuẫn với những gì ông đã nói hàng năm hoặc thậm chí vài tuần trước, điều đó cũng không quan trọng bằng việc giữ cho đèn đỏ không tắt, Rucker nhận xét.

Chơi khăm

Ben Smith, tổng biên tập của BuzzFeed, hồi đầu năm chỉ ra rằng tài khoản Twitter của ông Trump không chỉ như một cái loa lớn truyền trực tiếp tiếng nói của ông đến người theo dõi (tỷ phú có 13 triệu người theo dõi trên Twitter vào ngày bầu cử), mà nó cũng là nguồn cung cấp kịch bản cho các bản tin trên truyền hình. Ông Trump sẽ tweet những lời công kích mới vào sáng sớm, và ngay vào đầu giờ làm việc, biên tập viên sẽ biến nó thành tin tức nóng nhất trong ngày, theo Guardian.

Theo một nghiên cứu của mediaQuant, ông Trump đã được quảng cáo miễn phí, với tần suất xuất hiện trên truyền thông có giá trị tương đương 5,2 tỷ USD. Đổi lại, các kênh truyền hình cáp cũng được hưởng lượng người xem lớn.

"Tôi hy vọng rằng có cuộc kiểm tra nội bộ tại các hãng tin và truyền hình cáp đã quảng cáo miễn phí tương đương hàng tỷ USD cho Donald Trump, nhưng vẫn thường coi nhẹ các tuyên bố gây sốc của ông ấy", John Weaver, chiến lược gia trưởng cho đối thủ của ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ, John Kasich, nói. "Ông ấy đã bị nhiều hãng truyền thông đánh giá thấp".

Ngày 16/9, khi là ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa, ông Trump đã "lùa" các phóng viên chính trị đến một cuộc họp báo bằng cách hứa hẹn rằng sẽ đưa ra tuyên bố - được nhiều người đoán là lời xin lỗi - về việc nghi ngờ nơi sinh của Tổng thống Obama.

Sự kiện này diễn ra tại bưu điện trên Đại lộ Pennsylvania mà ông Trump lúc đó vừa mới cải tạo thành một khách sạn sang trọng. Sau 26 phút diễn ra họp báo, ông mới nói đến chủ đề chính. Ông thừa nhận Tổng thống Obama sinh ra ở Mỹ nhưng lại quay sang đổ lỗi cho Hillary Clinton rằng bà mới là người đầu tiên khởi xướng tin đồn.

Vậy là sau gần nửa giờ quảng cáo miễn phí, không chỉ cho chiến dịch tranh cử mà còn cả khách sạn mới, ông Trump đưa ra một tuyên bố 30 giây với lời buộc tội chống lại đối thủ của mình. John King, nhà báo của CNN, than thở: "Chúng ta lại bị chơi khăm một lần nữa".

Mỗi giai đoạn trong sự nghiệp của ông Trump đều gắn với mối quan hệ lên bổng xuống trầm với truyền thông, từ những lời khen nồng nhiệt, sự ngạc nhiên trước thành công của ông cho đến những tin tức về bê bối và thất bại trong sự nghiệp. Mỗi chương của cuộc đời ông Trump dẫn đến câu hỏi rằng phía dưới những sự khoe khoang và nghệ thuật tự quảng cáo, con người thật sự của ông như thế nào.

Chính ông Trump cũng thường nói rằng ông bối rối trước câu hỏi đó. Ông nói ông chỉ đơn giản là một doanh nhân và mục đích của ông là giành chiến thắng. Con đường đến chiến thắng là phải nghiền nát đối thủ, đáp trả những "kẻ thua cuộc" chỉ trích ông, và nói những gì cần để đưa ông đến đích, Rucker viết.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục