Chị Nguyễn Vũ Hồng, nhân viên một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Thái Hà cho biết, chị được giao giữ dấu của Ngân hàng nên hàng ngày luôn phải đến cơ quan từ 6h30 để đóng dấu lệnh tiền chuyển tiền từ kho đi các chi nhánh, phòng giao dịch để chủ động tiếp tiền cho ATM. Do vậy, để đến đúng giờ, ngày nào chị cũng phải rời khỏi nhà ở Cầu Diễn từ trước 6h giờ sáng, khi con còn chưa ngủ dậy.
“Trời mùa hè còn đỡ vất vả. Những ngày mùa Đông, đặc biệt là vào hôm mưa, gió, chui được ra khỏi chăn ấm là sự đấu tranh rất lớn, bước được chân ra khỏi nhà là một nỗ lực kiên cường. Còn buổi chiều thì không cố định được giờ về, dù quy định của Ngân hàng là đóng giao dịch từ 4h30 chiều. Thông thường, khoảng 7-8h tối, tôi mới rời khỏi cơ quan, nhưng cũng không hiếm những thời điểm ra khỏi cửa phòng giao dịch, đồng hồ đã điểm 9h tối”, chị Hồng nói.
Một lãnh đạo Vietcombank cho biết, vào những ngày lễ, tết, hệ thống giám sát ATM phải trực để theo dõi tình hình hoạt động của từng máy; nhân sự luôn phải có mặt 24/24 giờ nhằm theo dõi vận hành kỹ thuật của hệ thống ATM để tập trung xử lý nếu có sự cố. Càng vào ngày nghỉ, công việc của trung tâm giám sát càng “căng” hơn ngày thường. Hệ thống tổng đài và an ninh được tăng cường tối đa nhằm ghi nhận, trợ giúp khách hàng, đảm bảo hệ thống máy ATM hoạt động thông suốt.
Cũng trong những ngày nghỉ lễ, lượng tiền tại các máy ATM sẽ được nạp nhiều hơn 3 - 4 lần so với ngày thường, nạp định kỳ 2 lần/ngày. Các hộc tiền dự phòng cũng luôn được nạp sẵn để công tác tiếp quỹ thực hiện nhanh nhất có thể. Do đó, một lượng không nhỏ cán bộ, nhân viên ngân hàng phải làm việc liên tục với cường độ cao và đảm bảo tuyệt đối chính xác. Thậm chí, để đảm bảo người dân rút được tiền thuận lợi, DongA Bank còn triển khai chương trình máy ATM lưu động, tăng cường hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để phục vụ công nhân và người dân.
Còn từ ngày 23 tháng Chạp đổ ra, đối với nhân viên đi tiếp tiền ATM thực sự là nỗi “cực nhọc” cả về thể chất lẫn tinh thần. Bởi càng những ngày cận Tết thì đường phố lại càng chật như nêm. Có những lúc xe gần như “nằm” yên trên đường cả tiếng đồng hồ, trong khi không thể bước xuống xe do các quy định nghiêm ngặt đối với xe vận chuyển hàng đặc biệt trên đường.
“Khi nhìn thấy mọi người nườm nượp mua sắm đồ cho ngày Tết, trong khi nghĩ đến mình vẫn đang rong ruổi trên đường còn ở nhà vẫn trống huơ trống hoác’cũng thấy tủi thân”, một cán bộ của Vietcombank nói.
Tiếp quỹ ở đất liền có những khó khăn, vất vả, nhưng tiếp tiền mặt cho phòng giao dịch đóng đô nơi đảo xa lại có những khó khăn đặc thù khác. Ông Nguyễn Các Khánh, Giám đốc VietinBank Phú Quốc cho biết, gia đình ở TP.HCM và chỉ có mình ông ở Phú Quốc, nhà đầu tư tại đảo cũng không nhiều, chủ yếu ở vùng khác đến nên đầu tư xong rồi, nhà đầu tư rút tiền mang đi.
Theo đó, thỉnh thoảng lắm Chi nhánh mới dư tiền để chuyển về Rạch Giá, còn lại cố gắng thu tiền mặt tại địa phương, nhưng khi hết tiền, cán bộ Chi nhánh Phú Quốc được điều về Rạch Giá để tiếp tiền.
“Nhân viên Ngân hàng có cơ chế đặc biệt đi tàu ra đảo - vào đất liền (khoảng 2 đến 2 tiếng rưỡi). Quy trình chuyển tiền là ba người: cán bộ ngân hàng, bảo vệ ngân hàng, công an. Thùng tiền như một thùng hàng bình thường và cả ba người này cũng được cải trang giống như các hành khách bình thường đi trên tàu. Có chăng là bảo vệ, công an có thêm công cụ hỗ trợ”, ông Khánh nói và cho biết thêm, giai đoạn trước Tết, Ngân hàng sẽ phải “găm” tiền theo quy định nhằm sẵn sàng nguồn tiền nên tần suất tiếp tiền từ đất liền ra đảo liên tục.
Cũng theo ông Khánh, những cán bộ đi tiếp hay chuyển tiền đều có sự chọn lọc về nhân thân rất kỹ lưỡng và lâu lâu lại thay đổi. “Tôi cảm nhận được những lo lắng, căng thẳng tâm lý của cán bộ đi tiếp tiền bởi những rủi ro có nguy cơ xảy ra. Nhưng cái nghiệp của mình là vậy nên cũng chỉ biết chia sẻ và nhắc nhở anh em luôn luôn phải thận trọng, tuân thủ nghiêm kỷ luật nghề nghiệp mà thôi”, ông Khánh chia sẻ.