Nghệ An: Chậm giải quyết thủ tục đầu tư, lãnh đạo sở ngành bị phê bình

Sáng ngày 14/12, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp nghe tình hình tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào Nghệ An. Tại cuộc họp này, lãnh đạo tỉnh đã phê bình một số sở, ngành còn chậm thủ tục đầu tư, chưa có trách nhiệm thực sự đối với vướng mắc của nhà đầu tư.
Đã có 16 nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An Đã có 16 nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An
Các nhà đầu tư lớn của các dự án trên địa bàn Nghệ An, gồm: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; Xây dựng kinh doanh hạ tầng WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An; Cảng nước sâu Cửa Lò; các dự án của Vingroup, xi măng Sông Lam, Thiên Minh Đức, Nhà máy chế biến gỗ MDF… đã báo cáo tình hình, tiến độ cũng như kế hoạch triển khai, phát triển dự án.

Trong số đó, Dự án Tổng kho xăng dầu DKC sẽ đi vào hoạt động chính thức cuối năm 2018, gồm những hạng mục lớn: Bến cảng xăng dầu DKC có quy mô xây dựng cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 49.000DWT, 1 bến cảng tổng hợp tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000DWT.

Với tổng mức đầu tư 570 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm, Dự án đi vào hoạt động dự kiến đóng góp khoảng 2.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Hiện nhà đầu tư mong muốn đầu tư xây dựng tuyến đường vào cảng và UBND tỉnh đã có Văn bản số 6226/2018 về việc đề xuất nguồn vốn đầu tư dự án xây dựng đường vào trình Chính phủ.

Bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Minh Đức cho biết, mặc dù công ty đã có được chủ trương và đề xuất của tỉnh nhưng các cấp ngành vẫn đang làm chậm thủ tục. Doanh nghiệp mong muốn các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ thủ tục để dự án sớm đi vào hoạt động.

Về tiến độ dự án Hemaraj, nhà đầu tư cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời khu nghĩa trang lớn ở xã Nghi Thuận; đề nghị các cấp, ngành chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, hoàn thành trích lục, trích đo; Về các dự án của Công ty CP Tập đoàn Xi măng Sông Lam làm chủ đầu tư, hiện nay tiến độ di dời Kho K41 rất chậm, việc lập kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng môi trường cũng chậm.

Một số nhà đầu tư khác cũng đề xuất một số vướng mắc khác như về mỏ nguyên liệu, chuyển đổi rừng… Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa  thẳng thắn phê bình một số sở, ngành làm chậm thủ tục cho các nhà đầu tư; một thủ tục bình quân một năm mới xong là quá chậm.

“Trong thu hút đầu tư cũng phải sáng tạo, nhanh gọn, dám làm dám chịu, cải cách hành chính là vấn đề quan trọng mà các sở như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn còn chậm trong  thủ tục đối với các dự án lớn như Hemaraj, Bia Hà Nội, VSIP...”, ông Hoa nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao các cuộc họp định kỳ vừa qua giữa các nhà đầu tư và tỉnh đã tạo diễn đàn, kịp thời giải quyết một số vướng mắc cho nhà đầu tư. Đồng thời phê bình các giám đốc sở chuyên ngành còn vắng họp trong cuộc này, như Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài Nguyên - Môi trường, Sở Nông nghiệp - PTNT, Ban quản lý Khu kinh tế, và yêu cầu các sở ban ngành nói trên phải nắm vững vấn đề để giải quyết cho nhà đầu tư.

“Quan điểm và nhận thức của các cấp, ngành đối với từng dự án đầu tư phải xác định tốt hơn, tránh tình trạng hỏi lên hỏi xuống. Các vấn đề vướng mắc chung giữa các nhà đầu tư cần tham mưu để có cách giải quyết chung”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Việt Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục