Ngày Xuân, “ăn cơm mới, nói chuyện cũ”

(ĐTCK) Lẽ thường, ngày Xuân, người ta hay nhắc đến việc vui để tránh dông cả năm. Nhưng có câu "ăn cơm mới, nói chuyện cũ", thiết nghĩ, làng bất động sản cũng cần nhìn lại những câu chuyện hầu kiện năm qua để lấy đó làm bài học răn mình.
Ngày Xuân, “ăn cơm mới, nói chuyện cũ”

Bất đắc dĩ phải “đáo tụng đình”

Nhắc đến tranh chấp với khách hàng, các doanh nghiệp địa ốc đều sợ đến “xanh mặt”, “đáo tụng đình” thì khỏi phải nói, không doanh nghiệp nào muốn, dù mình đúng hay sai. Vì thế, đứng trước những tranh chấp có thể phát sinh, các chủ đầu tư đều muốn êm chuyện bằng việc ngầm thỏa thuận với khách hàng, thậm chí “mua chuộc” người đứng đầu các nhóm khách hàng có tranh chấp.

Việc các chủ đầu tư “mua chuộc” đại diện khách hàng khiến cánh phóng viên đang theo dõi vụ việc nhiều khi lúng túng, vì bỗng dưng bị mất nguồn thông tin, bể kế hoạch tin bài...

Thế nhưng, năm qua, các vụ việc có thể tự dàn xếp không nhiều, thị trường trầm lắng quá lâu như mảnh đất màu mở nảy mầm tranh chấp, khiếu kiện. Yêu sách của khách hàng cũng ngày càng lớn, nên việc thỏa thuận khó hơn. Rơi vào thế bắt buộc, dù muốn hay không, các doanh nghiệp cũng phải theo khách hàng để phân xử thắng thua tại tòa án.

Cách đây không lâu, các khách hàng mua nhà tại Dự án Splendora của Công ty Liên doanh An Khánh JVC đã khởi kiện chủ đầu tư ra tòa, với nhiều nội dung khác nhau.

Việc hàng chục khách hàng khởi kiện chủ đầu tư Dự án Splendora được cánh phóng viên theo dõi trực tiếp, cũng như nhiều người trong giới đoán trước, vì rất nhiều tranh chấp tại dự án này chưa được giải quyết hết, thì tranh chấp mới lại xuất hiện. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay trên các trang mạng, hình ảnh khách hàng dự án này căng băng rôn, biểu ngữ phản đối ở trụ sở làm việc của chủ đầu tư, diễu trên công trường dự án và thậm chí tới cả trụ sở của công ty mẹ xuất hiện với tần xuất dày đặc.

Theo dõi vụ việc ngay từ đầu và có nhiều ngày ngồi tham dự phiên tòa trên, phóng viên Đầu tư Bất động sản chứng kiến những tranh tụng gay gắt giữa đại diện khách hàng và đại diện chủ đầu tư. Ai cũng cho mình đúng và có lý. Thế nhưng, cuối cùng tòa đã bác đơn kiện của khách hàng. Không thỏa mãn với phán quyết của tòa tại phiên sơ thẩm, nhiều khách hàng cho biết, sẽ tiếp tục kháng án, khiến tranh chấp tại dự án này chưa biết khi nào mới dứt.

Tại Hà Nội, Công ty An Khánh JVC không phải là doanh nghiệp duy nhất bị khách hàng khởi kiện ra tòa. Trước đó, hàng loạt chủ đầu tư cũng phải buộc theo chân khách hàng đến tòa để hầu kiện. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như Tổng công ty Viglacera tại Dự án Xuân Phương, Công ty TNHH Keangnam Vina tại Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower, hay CTCP Bất động sản AZ…

Không ai thắng cuộc

Trong các vụ kiện trên, không chỉ khách hàng của Dự án Splendora bị tòa bác đơn kiện, khách hàng của các dự án khác cũng khó đòi được quyền lợi của mình.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới việc khách hàng thường yếu thế khi phân xử tại tòa, Luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự) cho biết, tranh chấp và khiếu kiện liên quan đến bất động sản bùng nổ trong năm 2013 chính là hệ quả của thời kỳ khách hàng tranh nhau ký hợp đồng mà không quan tâm đến nội dung trong đó quy định gì. Đến khi có tranh chấp, khách hàng mới biết nội dung hợp đồng toàn điều khoản có lợi cho chủ đầu tư, nên việc giải quyết tranh chấp, khách hàng luôn là người chịu thiệt.

Đúng như Luật sư Hưng nói, nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật, biết chắc là phần thua sẽ thuộc về khách hàng khi khởi kiện, bởi họ đã “cài” nhiều điều khoản có lợi cho mình trong hợp đồng, nên lớn tiếng thách thức khách hàng kiện. Thậm chí, có một số chủ đầu tư, đơn vị thứ cấp sau khi huy động tiền của khách hàng đầu tư sai mục đích, khi bị khách hàng đòi lại tiền, dọa kiện thì cù nhầy, thậm chí còn lớn tiếng thách thức khách hàng khởi kiện.

Những doanh nghiệp chơi bài cùn như trên có thể kể đến Tập đoàn Đông Thiên Phú, đơn vị thứ cấp của Dự án Văn Phú Victoria (quận Hà Đông); Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây, chủ đầu tư Dự án Hyundai Hillstate (quận Hà Đông); hay “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty Xây dựng Số 1 Lai Châu, chủ Dự án Đại Thanh…

Thực tế cho thấy, các tranh chấp hợp đồng mua bán bất động sản trong năm 2013, cách giải quyết thế nào, khách hàng hầu hết là bên chịu nhiều thua thiệt. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cũng không phải là bên thắng khi phải tốn thời gian, tốn tiền bạc (thuê luật sư) và đặc biệt là hình ảnh, uy tín bị rơi rụng phần nào. Hy vọng rằng, trong năm Ngọ này, những tranh chấp khiếu kiện không phải là "ngựa quen đường cũ", mà các bên nên minh bạch, chia sẻ ngay từ đầu với nhau trên tinh thần... "thẳng ruột ngựa".                                            

Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục