Ngày tàn của quỹ đóng

Sau 15 năm tồn tại, các quỹ đóng không giữ được sự hấp dẫn khi các quỹ mở ra đời. Dùng từ "ngày tàn" có thể hơi mạnh, nhưng sự thực là như vậy!
Ngày tàn của quỹ đóng

Ngày 27/11, Quỹ Đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4) chính thức hủy niêm yết để chuyển đổi sang quỹ mở. Đây là quỹ đóng cuối cùng do Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) quản lý chuyển đổi sang quỹ mở.

Quỹ VF4 đã dừng các hoạt động đầu tư để thực hiện việc chuyển đổi sang quỹ mở. Giá trị tài sản ròng của quỹ VF4 hiện khoảng 677 tỷ đồng, tương đương 8.400 đồng/chứng chỉ quỹ. Trong khi đó, giá giao dịch của Quỹ VF4 trên thị trường những ngày cuối cùng còn niêm yết vào khoảng 7.700 đồng/chứng chỉ quỹ.

VF4 là quỹ công chúng huy động nguồn vốn từ cá nhân, pháp nhân trong và ngoài nước, với quy mô vốn ban đầu 806,46 tỷ đồng (tháng 1/2008). Quỹ VF4 được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ tháng 6/2008.

Định hướng đầu tư ban đầu của Quỹ VF4 là nhắm vào các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong các ngành cơ bản, chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam, như năng lượng, vật liệu - khai khoáng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, cơ sở hạ tầng, bất động sản, hàng tiêu dùng…

Theo kế hoạch, khi chuyển sang quỹ mở, VF4 gần như giữ nguyên chiến lược đầu tư, nên VF4 sẽ giữ tỷ lệ cổ phiếu cao trong danh mục tài sản. Sau khi hủy niêm yết trên HOSE để chuyển sang quỹ mở, chứng chỉ quỹ mở VF4 dự kiến sẽ được giao dịch vào ngày thứ Tư của tuần thứ 2 và tuần thứ 4 hàng tháng. Tổng giá trị mua lại ròng mỗi kỳ không quá 10% giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ.

VF4 là một trong 4 quỹ đầu tư do VFM thành lập và quản lý. 3 quỹ còn lại gồm Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VF1), Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam (VF2) và Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam (VFA). Tất cả các quỹ này thời gian đầu đều được thành lập dưới dạng quỹ đóng.

Trong số đó, VF1 và VFA là các quỹ đầu tư đã từng niêm yết tại HOSE và hiện đã hủy niêm yết và chuyển đổi thành công sang mô hình quỹ mở: VFA đã hủy niêm yết từ tháng 3/2013 và quỹ VF1 hủy niêm yết từ tháng 10/2013.

Riêng Quỹ VF2 được giải thể, do đây là quỹ thành viên, nên việc chuyển sang mô hình quỹ mở là không khả thi.

Sau khi Quỹ VF4 của VFM hủy niêm yết từ ngày 27/11, trên thị trường chỉ còn 2 quỹ đầu tư niêm yết, đó là Quỹ đầu tư Tăng trưởng ACB (ASEAGF) và Quỹ đầu tư Tăng trưởng Manulife (MAFPF1).

Trong đó, MAFPF1 đã từng có kế hoạch chuyển đổi sang quỹ mở, nhưng không thành công. Trong năm 2013, chủ trương chuyển đổi quỹ từ quỹ đóng sang quỹ mở được đưa ra tại đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2013, nhưng do một vấn đề về kỹ thuật, nên chủ chương này đã không được thông qua.

Tại thời điểm hiện nay, chứng chỉ quỹ MAFPF1 vẫn giao dịch trên thị trường, với giá trên 8.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Trong khi đó, NAV của quỹ hiện khoảng 195 tỷ đồng, tương đương hơn 9.100 đồng/chứng chỉ quỹ.

Như vậy, sau khi VF4 hủy niêm yết, MAFPF1 cũng sẽ giải thể sau khi hết thời gian hoạt động vào năm 2014. Trong khi đó, quỹ đại chúng đang niêm yết còn lại trên sàn chứng khoán cũng không có nhiều dáng dấp của một quỹ đầu tư do quỹ này hiện chẳng còn hoạt động đầu tư gì đáng kể.

>> Quỹ mở không “đóng” chiến lược đầu tư

>> Vì sao đầu tư vào quỹ mở?

>> Số lượng quỹ đại chúng tại Việt Nam quá nhỏ

>> Băn khoăn thuế chồng thuế khi đóng quỹ

>> VinaCapital sẽ không đóng Quỹ VOF

>> Chứng chỉ quỹ, cơ hội trước giờ G  

>> Quản lý quỹ: 15 năm vẫn ra đi!

>> Quỹ mở: cơ hội đang rộng mở

>> Chứng chỉ quỹ mở VF1 được giao dịch từ 7/11

>> Chuẩn bị cho 20 quỹ mở tại Việt Nam

Chí Tín (baodautu.vn)
Chí Tín (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục