Cùng với sự phát triển đó, kể từ năm 2000 trở lại đây, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển với vị trí ngày càng lớn, có vai trò, đóng góp ngày càng lớn trong phát triển kinh tế của đất nước. Muốn một nền kinh tế phát triển năng động, khu vực doanh nghiệp phải mạnh, đặc biệt khu vực tư nhân phải mạnh, là khu vực đầu tàu trong đổi mới công nghệ. Muốn vậy, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phải được nhìn nhận, bản thân họ phải nỗ lực và chính sách luật pháp nhà nước phải tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa.
Hiện nay, khu vực kinh tế phi nhà nước có 2 bộ phận. Khối chính thức (có đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp) đóng góp khoảng 11% GDP với 4 triệu lao động. Còn lại là các hộ kinh doanh cá thể.
So với trước, khối doanh nghiệp tư nhân đã lớn mạnh và có bước tiến dài. Tuy nhiên, nhìn lại thì thấy nổi lên một thực tế là số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chất lượng chưa đạt như đáng lẽ phải có. Dường như sự phát triển mới đi theo chiều ngang và chưa có chiều sâu, chưa được nâng cao chất lượng. Sự phát triển của nhiều doanh nghiệp không xuất phát từ năng lực công nghệ, không lấy công nghệ, đổi mới khoa học là sức mạnh nội tại, mà chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên, bất động sản và quan hệ thân hữu.
Bên cạnh đó, phải nói đến nhìn nhận của xã hội đối với hoạt động doanh nghiệp và doanh nhân, phải nhìn các khu vực kinh tế trong tổng thể, thiết lập môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư dài hạn, đổi mới sản phẩm, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp .
Cơ chế quản lý nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh mở để doanh nghiệp nào, doanh nhân nào càng kinh doanh có hiệu quả, càng đóng góp nhiều cho phát triển đất nước càng được hưởng lợi nhiều và càng có điều kiện để phát triển thêm. Lợi ích mang lại cho doanh nhân, doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lực, sức mạnh nội tại của từng doanh nghiệp, chứ không phải phụ thuộc yếu tố bên ngoài hay dựa vào cơ chế xin - cho, lợi ích từ độc quyền mang lại.
Muốn vậy, sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân không thể không có sự hỗ trợ của Nhà nước, phải nhìn lại doanh nghiệp cần gì? Lỗ hổng quan hệ xin - cho, quan hệ thân hữu cần xem xét lại, bớt được càng nhiều càng hay. Loại bỏ dần hành vi đầu cơ ngắn hạn, trục lợi dựa trên mối quan hệ thân quen. Cần khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư dài hạn, nâng cao năng lực công nghệ, tiếp nhận được công nghệ mới, tiếp thu được công nghệ mới. Vậy ai hỗ trợ doanh nghiệp? Phải có đội ngũ các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu. Nhà nước có thể là nhà đầu tư ban đầu và ban hành chính sách nhằm thiết lập cơ chế thị trường cạnh tranh giữa hệ thống các cơ sở ấy trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và cả khối đầu tư nước ngoài cần được đối xử công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, quyền kinh doanh cũng như phân phối lợi ích. Giá trị của doanh nghiệp, doanh nhân không nằm ở việc đó là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài hay tư nhân, mà giá trị do hiệu quả sử dụng nhân lực, kinh doanh hợp pháp, có đạo đức, đóng góp cho thịnh vượng chung của xã hội.
Khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, còn nhỏ nên cần được Nhà nước hỗ trợ để phát triển. Nhà nước có một số nguồn lực nên ưu tiên dành cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước, không nên giao, cho phép, cấp phép tràn lan cho khu vực đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước. Tương lai của kinh tế Việt Nam lớn hay không, thành công hay không, việc hỗ trợ này là rất quan trọng.
Khi nhận thức thống nhất rằng, kinh tế nhà nước có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, dẫn dắt cho định hướng phát triển, gia tăng lợi ích chung quốc gia; kinh tế nhà nước làm bàn đỡ cho sự phát triển của các khu vực kinh tế khác, chứ không phải là thành phần chỉ đạo, thì kinh tế tư nhân sẽ được tạo điều kiện để lớn mạnh hơn. “Chính phủ sẽ kiến thiết nền quốc dân kinh tế để cho ai nấy được tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát”, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay sau khi tuyên bố độc lập vẫn còn nguyên giá trị.