Ngày 23/2 là hạn cuối ngân hàng báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Chí Quang, ngày 23/2 là thời hạn cuối cùng để các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân.
Ngày 23/2 là hạn cuối ngân hàng báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân

Việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo NHNN đã có Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, trong đó có chỉ đạo các TCTD công bố công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân của từng TCTD và chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên website của từng TCTD. NHNN đã đề nghị các ngân hàng thương mại tổng kết đánh giá lãi suất để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, NHNN không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố lãi suất cho vay chi tiết đối với các nhóm khách hàng, cách phân loại khách hàng... Các ngân hàng thương mại được chủ động trong vấn đề này. Các ngân hàng nêu chi tiết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ về công khai thông tin lãi suất cho vay.

NHNN cũng đã có Công văn số 117/NHNN-CSTT ngày 7/2/2024 yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.

Trước đó, theo Công văn số 527 của Văn phòng Chính phủ ngày 18/12/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 do NHNN tổ chức sáng ngày 20/2, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh rằng, việc công khai là chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Chính phủ và ngành ngân hàng phải thực hiện, đó là kỷ cương điều hành.

Nếu các TCTD không thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân thì không chỉ NHNN sẽ đánh giá mà nền kinh tế, doanh nghiệp đánh giá. Hoặc nếu các ngân hàng chỉ công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn vì lãi suất này thấp thì cũng không công bằng.

Vả lại, theo Phó thống đốc Tú, đây là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp hay từng loại hình thì không có gì vi phạm. Vì vậy, trách nhiệm khi cho vay, huy động là phải công bố lãi suất. Đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện tốt.

"Chúng ta phấn đấu để có sự công bằng, khách quan trong cạnh tranh thì các ngân hàng đều phải phấn đấu, việc này công bố không có gì khó khăn", Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.

Cũng theo Phó thống đốc Tú, nếu trước mắt nếu các ngân hàng chưa thực hiện, NHNN chưa có chế tài (bởi cũng chưa có quy định, văn bản chế tài nào về vấn đề này), song các ngân hàng sẽ phải chịu chế tài của dư luận, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn.

Thế nhưng, ý kiến được đưa ra từ các ngân hàng tại cuộc họp trực tuyến nói trên đều cho rằng, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là không vấn đề gì. Song đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ có bất cập khi công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp. Bởi rủi ro của mỗi khoản vay khác nhau nên lãi suất cho vay áp dụng cũng sẽ không giống nhau. Do đó, các ngân hàng đề xuất chỉ nên công khai lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân, thay vì cả với lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục