Ngập bất ổn tại Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Chủ đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang đối diện với hàng loạt khiếu nại của nhà thầu quốc tế liên quan đến việc chậm trễ.
Chủ đầu tư Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội tiến hành chạy thử nghiệm vào tháng 1/2021. Chủ đầu tư Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội tiến hành chạy thử nghiệm vào tháng 1/2021.

Trễ tiến độ

Bất ổn là điều dễ dàng nhận thấy tại Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội) nếu chiểu theo báo cáo mới nhất được UBND TP. Hà Nội - đơn vị chủ quản công trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) để phục vụ báo cáo Quốc hội.

Trong Báo cáo số 3287/UBND - KH&ĐT do ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 9/2021, mốc thời gian hoàn thành Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn đang trong tình trạng “chưa rõ ràng”.

Được biết, Dự án metro đoạn Nhổn - ga Hà Nội có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị (5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu thiết bị) và 1 gói Tư vấn.

Đến thời điểm Báo cáo số 3287 được gửi đi, chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị (trong đó gói thầu CP01 và CP04 đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công).

“Tiến độ chung Dự án đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao dự kiến vào năm 2022; hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến đến sau năm 2022”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội thông tin.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội là công trình sử dụng nguồn vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội.

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án phải hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi toàn tuyến chậm so với kế hoạch ban đầu, vào tháng 7/2019, UBND TP. Hà Nội đã phải chấp thuận nới “đai tiến độ”.

Theo Quyết định số 4036/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Đường găng tiến độ chính của Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đang nằm tại CP03, khi đến cuối tháng 8/2021 mới đạt 32,3%, giải ngân được 30,31% giá trị gói thầu.

Đại diện chủ quản dự án cho biết nguyên nhân dẫn đến chậm trễ Gói thầu CP03 là do công tác GPMB và di dời hạ tầng ngầm, nổi chậm; việc xử lý các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công khoan hầm gặp nhiều khó khăn; bố trí vốn trong năm 2018, 2019 gặp khó khăn, nên nhà thầu đã cắt giảm các hoạt động trên công trường để giảm thiểu chi phí.

Theo kế hoạch điều chỉnh mà nhà thầu lập và tư vấn Systra chấp thuận, gói thầu CP03 phải điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công kéo dài đến tháng 6/2025.

Nếu tính từ khi gói thầu xây lắp đầu tiên được triển khai trên thực địa (CP04 thi công hạ tầng đề pô) được khởi công vào tháng 9/2010, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ mất tới 15 năm thi công, với nhiều khoản phát sinh lớn đang được các nhà thầu đồng loạt kê cho chủ đầu tư.

Điều đáng nói là, tổng mức đầu tư Dự án đã tăng từ 738 triệu EUR (năm 2009) lên 1.176 triệu EUR (năm 2013) và nhiều khả năng không dừng lại ở con số này.

Chủ đầu tư bị “bắt chẹt”

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, do những vướng mắc tại Dự án chậm được xử lý dứt điểm, nên đến nay mới chỉ có gói thầu CP01 và CP04 hoàn thành. Trong khi đó 5/8 hợp đồng đoạn trên cao hiện đã hết hạn (CP02, CP05, CP06, CP07, CP08); gói thầu CP05 đã được ký gia hạn tạm đến tháng 12/2021; gói thầu tư vấn ký với Systra cũng đã hết hạn vào ngày 31/7/2021.

UBND TP. Hà Nội cho biết, trong quá trình gia hạn hợp đồng, một số nhà thầu đã lợi dụng tính cấp thiết về tiến độ Dự án, tiến độ vận hành trước đoạn trên cao để gây sức ép lên chủ đầu tư bằng “chiến thuật” chậm trình hồ sơ, đẩy chi phí phát sinh lên cao bất hợp lý. Các nhà thầu cũng thiếu hợp tác với Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội và tư vấn trong việc làm rõ các đề xuất, giảm tiến độ thi công trên hiện trường và đặc biệt là đưa vấn đề tranh chấp ra Trọng tài quốc tế khiến các bên đều mất thời gian xử lý sự vụ, ảnh hưởng đến tiến độ các công việc chính.

Do GPMB và phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm chậm, nên Nhà thầu HGU đã gửi 3 khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí là 114,7 triệu USD và đề nghị chấp thuận thanh toán nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc, đồng thời sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên Trọng tài quốc tế.

Nhà thầu đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6/2021 và ra Văn bản số HGU-MLT-00459-21-E/V ngày 26/6/2021 thông báo tạm dừng công việc. Nhà thầu yêu cầu thành lập Ban Giải quyết tranh chấp (DB), Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội cũng đã cử thành viên đại diện cho chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của Hợp đồng. UBND TP. Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại của nhà thầu thi công gói CP03.

Ngoài HGU, chủ đầu tư cũng đang vướng vào tranh chấp với các nhà thầu nước ngoài thi công các gói thầu CP07, CP08 liên quan đến việc điều chỉnh trượt giá.

“Nhà thầu Colas Rail (Pháp) thi công gói thầu CP07, CP08 đã từ chối thỏa hiệp với chủ đầu tư về các vấn đề khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và quy định của pháp luật Việt Nam. Mặc dù khối lượng công việc còn rất nhỏ (dưới 5% đối với đoạn trên cao), nhưng Colas Rail đã tạm dừng thi công từ tháng 3/2021 và khiếu nại chủ đầu tư chậm thanh toán điều chỉnh giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ gói thầu”, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục