
Các tàu chở hàng đưa ra khơi nhưng không được lấp đầy, giá cước vận tải biến động và khả năng điều hướng lại các tuyến vận tải là một số điều chỉnh gần đây mà các chuyên gia trong ngành đã ghi nhận.
Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 và bắt đầu một cuộc chiến về thuế quan.
Việc Tổng thống Trump gần đây đã tuyên bố tạm hoãn trong 90 ngày đối với một số khoản thuế đã công bố trước đó, ngoại trừ Trung Quốc một lần nữa làm đảo lộn sự cân bằng.
"Trong ba tuần đầu tháng 4, chúng tôi thấy hoạt động thương mại chậm lại và nhiều tàu chỉ chở được 50% hàng trên các tuyến xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương đến Mỹ", Alexandre Charpentier, chuyên gia vận tải tại công ty tư vấn Roland Berger cho biết.
Trong thời gian đó, giá cước vận tải biển đã giảm và nhiều công ty đã giữ lại hàng hoá như một biện pháp phòng ngừa.
"Tính đến tuần trước, chúng tôi đã có hiệu ứng ngược lại…Mọi người muốn vận chuyển càng nhiều càng tốt đến Mỹ, họ đang bán bớt hàng tồn kho và đã có một cuộc chạy đua tìm không gian chứa hàng", ông Alexandre Charpentier cho biết.
Thêm vào những trở ngại đối với ngành vận tải biển là phí cập cảng mới của Mỹ đối với các tàu do Trung Quốc đóng và vận hành, được Nhà Trắng công bố vào ngày 17/4 và dự kiến có hiệu lực từ giữa tháng 10.
Những khoản phí này được áp dụng ngoài mức thuế lên tới 145% mà chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng đối với một số lượng lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc, dẫn đến mức thuế cao nhất lên tới 245% đối với một số sản phẩm.
Giảm giá cước vận tải
Về lâu dài, các công ty vận tải dự kiến giá cước vận tải sẽ giảm như đã xảy ra vào năm 2018 đến 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump.
Sandy Gosling, chuyên gia về vận tải và hậu cần tại công ty tư vấn McKinsey cho biết, các hãng tàu khi đó "đã trải qua tình trạng cung vượt cầu về năng lực vận chuyển, giá cước vận tải giảm, chi phí hoạt động tăng và cuối cùng là doanh thu giảm".
Thuế quan vào thời điểm đó thấp hơn mức mà Tổng thống Trump đã công bố trong năm nay.
"Thật khó để nhìn vào tương lai nhưng điều có vẻ có khả năng xảy ra nhất đối với chúng tôi là một số tuyến đường sẽ chậm lại để ưu tiên các quốc gia khác ở Đông Nam Á hoặc Ấn Độ", ông Alexandre Charpentier cho biết.
Anne-Sophie Fribourg, phó chủ tịch phụ trách mua sắm đường biển tại công ty giao nhận vận tải Anh Zencargo dự kiến tuyến đường vận tải Trung Quốc-Mỹ sẽ không còn lợi nhuận.
Nếu điều này xảy ra, "các hãng vận tải sẽ điều chỉnh lại lịch vận chuyển. Nói cách khác, họ sẽ chuyển từ các tuyến đường truyền thống sang các tuyến đường mới, chẳng hạn như Châu Mỹ Latinh, nơi mà nhu cầu đã tăng trong một thời gian", bà Gosling cho biết.
Hiện tại, các công ty quốc tế lớn như MSC, CMA CGM và Maersk vẫn chưa thực hiện các điều chỉnh như vậy.
Điều chỉnh các tuyến đường
Công ty vận chuyển container của Đức Hapag-Lloyd cho biết họ không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, "sự suy giảm lớn ở Trung Quốc" đang diễn ra và bù đắp cho "sự gia tăng rõ rệt về nhu cầu ở Đông Nam Á".
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo về khả năng "giảm mạnh hơn 1,5% trong thương mại hàng hóa toàn cầu" vào năm 2025, tùy thuộc vào chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. WTO cho biết thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ có thể giảm mạnh 81%.
Trong khi đó, thuế quan chỉ là sự gián đoạn mới nhất trong số nhiều sự gián đoạn mà ngành vận tải biển phải trải qua trong những thập kỷ gần đây.
"Theo báo cáo năm 2020 của Viện McKinsey Global, các ngành công nghiệp đã trải qua sự gián đoạn đáng kể kéo dài một tháng hoặc lâu hơn trung bình cứ sau 3,7 năm", bà Gosling cho biết.
Các chuỗi hậu cần đã bị đảo lộn trong những năm Covid-19, trước khi các cuộc xung đột ở Biển Đỏ khiến các tàu phải đi vòng quanh Châu Phi qua Mũi Hảo Vọng.
Mặc dù các hãng vận tải đã thay đổi tuyến đường, nhưng việc điều chỉnh luồng hàng đến các điểm đến khác "sẽ mất một thời gian", ông Alexandre Charpentier cho biết.