Ngành tiêu dùng kỳ vọng tăng trưởng

(ĐTCK) Dù có khoảng 17,6% hộ gia đình ở Việt Nam ở mức thu nhập thấp (<1.000 USD), BMI vẫn dự báo lạc quan trong 5 năm tới sẽ có thêm hơn 6 triệu hộ gia đình gia nhập nhóm thu nhập 5.000 - 10.000 USD. Bên cạnh đó, Euromonitor cũng dự báo chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 47% từ nay đến năm 2019, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành này.
Ngành tiêu dùng kỳ vọng tăng trưởng

Tại khu vực TP. HCM, nơi đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế cả nước, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP (gần 60%). Theo thống kê, Top 20% dẫn đầu thu nhập hộ gia đình tại TP. HCM có tốc độ tăng trưởng thu nhập nhanh nhất, đặc biệt là từ năm 2013 trở đi, phù hợp với tỷ trọng ngành dịch vụ tăng.

Từ thực tế này có thể kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh của các cửa hàng tiện ích (MBKE ước trên 1.000 cửa hàng dạng này trong năm 2016). Đây là điều kiện thuận lợi để các công ty bán lẻ phát triển. Có thể thấy, Công ty Thế giới di động (MWG) đang tận dụng lợi thế này để phát triển nhanh và nhiều số lượng cửa hàng cả Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh.

Ngành tiêu dùng kỳ vọng tăng trưởng ảnh 1

Cơ cấu dân số thuận lợi là tiền đề để kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng gia tăng. Việt Nam là nước đông dân số đứng thứ 3 trong ASEAN. Trong đó, lực lượng lao động ước tăng trưởng 1,2%/năm và đạt tới 96,6 triệu người năm 2020. BMI ước tính hơn 49% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi.

Đây là điều kiện lý tưởng để các công ty trong ngành tiêu dùng tập trung vào vào phân khúc thị trường bình dân, nhất là các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dung tính chung năm 2016 tăng 10,2% so với năm trước (năm 2015 tăng 9,8%). Tăng mạnh vẫn là nhóm lương thực - thực phẩm (+13%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (+10,7%), riêng nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục tăng thấp nhất, 1,7%.

Với những đổi mới trong Luật Đầu tư cũng như những văn bản dưới luật, quá trình mua lại các công ty trong nước diễn ra nhanh chóng và minh bạch hơn. Đi kèm với việc nới room của các công ty niêm yết, thoái vốn nhà nước ngày càng tích cực,  hoạt động M&A dự báo sẽ tiếp tục diễn ra sôi nổi. Dự báo giai đoạn 2014-2020, giá trị các thương vụ M&A có thể lên đến 20 tỷ USD.

Theo thống kê, năm 2015, hoạt động M&A tăng trưởng 40%, với tổng giá trị đạt 4,3 tỷ USD và vượt qua kỷ lục 4,2 tỷ USD vào năm 2012. Nửa đầu năm 2016, có rất nhiều thương vụ M&A lớn đã được công bố. Singha đã rót 1,1 tỷ USD vào Tập đoàn Masan. Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản - ANA Holdings đã đồng ý chi 109 triệu USD để mua cổ phần của Vietnam Airlines. Tập đoàn Kido đã bán xong 20% còn lại của mảng bánh kẹo cho Mondelez và đang có kế hoạch thâu tóm Vocarimex và TAC. Thị trường bán lẻ đã chứng kiến việc các nhà đầu tư Thái Central Group thâu tóm chuỗi bán lẻ Big C Việt Nam và Nguyễn Kim với giá trị thương vụ lên đến 1,14 tỷ USD; TCC Holding bỏ ra 695 triệu USD mua lại Metro Cash & Carry.

Ngành tiêu dùng kỳ vọng tăng trưởng ảnh 2  

Bên cạnh đó, kế hoạch thoái vốn nhà nước ở các công ty lớn như Sabeco (dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2017),  Vinamilk (SCIC đã bán được 5,4% trong số 9% chào bán trong tháng 12/2016 và sẽ tiếp tục thoái vốn trong 2017), Habeco, Mobiphone… càng khiến hoạt động M&A tiếp tục sôi nổi trong 2017, đồng thời cũng giúp tăng thêm minh bạch cho các công ty và tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Các hiệp định FTAs bắt đầu có hiệu lực từ 2016 và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện sẽ càng có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài tham gia vào thị trường tiềm năng ở Việt Nam. Do đó, ngày càng có nhiều thương vụ M&A đình đám cũng như mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng cao. Điều này giúp cho người tiêu dùng được lợi và càng có nhiều cơ sở để kỳ vọng doanh số bán lẻ gia tăng.

Định giá của nhiều cổ phiếu trong ngành đã trở nên hấp dẫn hơn. Mức P/E bình quân trong ngành hiện đang ở mức 12,5 lần, hấp dẫn so với P/E của các nước trong khu vực hiện đang ở mức 26,2 lần.

CTCK Maybank Kim Eng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục