Sẽ có thêm thương vụ trị giá 1 tỷ USD
Ngành ngân hàng vừa chứng kiến thương vụ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trị giá hơn 35.900 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD), đó là thương vụ VPBank phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation của Nhật Bản. Hoạt động bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại của ngành ngân hàng Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, Vietcombank có kế hoạch phát hành 6,5% cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024. Ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu). Lãnh đạo Vietcombank cho biết, kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đang ở bước thuê tổ chức tư vấn.
Vietcombank được kỳ vọng sẽ hoàn tất kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ trong năm nay, thu về khoảng 1 tỷ USD (tương đương 24.450 tỷ đồng), theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcap (giá bán kỳ vọng là 100.000 đồng/cổ phiếu).
Với BIDV, đại hội đồng cổ đông ngân hàng này đã thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần từ năm 2023 sang năm 2024.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, giá phát hành của BIDV có thể gấp đôi giá trị sổ sách, tức định giá P/B là 2 lần, dựa trên 2 yếu tố chính. Thứ nhất, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giai đoạn 2022 - 2023 của BIDV đạt trung bình 19%/năm, cao hơn so với trung bình giai đoạn trước đó là 14,5%, trong khi dự kiến ROE giai đoạn 2024 - 2028 sẽ duy trì ở mức cao, 19 - 20%/năm. Thứ hai, nợ xấu của BIDV được cải thiện nhiều so với giai đoạn trước đó và chi phí tín dụng giảm mạnh, giúp Ngân hàng có dư địa tăng trưởng nhiều hơn.
Với mức định giá P/B là 2 lần, giá phát hành của BIDV sẽ tương đương với 48.036 đồng/cổ phiếu (giả định giá trị sổ sách giữa năm 2024 là 24.018 đồng/cổ phiếu). Nếu phát hành thành công, BIDV có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng, củng cố bộ đệm vốn cũng như hệ số an toàn vốn (CAR), qua đó giúp Ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng, kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần của BIDV có thể kéo dài sang năm 2025, trước bối cảnh khối ngoại thu hẹp khẩu vị rủi ro và chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Trước đó, theo kế hoạch tăng vốn năm 2023, BIDV sẽ phát hành 455 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song từ lâu đã thể hiện mong muốn phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú chia sẻ, trong 3 năm qua, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư, nhưng kế hoạch huy động vốn ngoại chưa thành công do điều kiện chưa thuận lợi là tình hình kinh tế các nước khó khăn, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư thu hẹp, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước làm suy giảm việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam… Năm 2024, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, hiện có một số nhà đầu tư tiềm năng, nhưng chưa thể công bố.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB Đỗ Quang Hiển kỳ vọng, Ngân hàng sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024, vốn chưa được thực hiện trong năm 2023 như đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Hồi tháng 7/2023, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá Ngân hàng từ 2 - 2,2 tỷ USD. Thương vụ bán vốn dự kiến hoàn tất trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Trong khi đó, LPBank đang triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị quyết định sau khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tại SeABank, tháng 7/2023, Hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành, đối tượng nhắm đến là Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển, ước tính thu về tối thiểu 1.217 tỷ đồng, tối đa 3.503 tỷ đồng.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Việc tham gia của nhà đầu tư ngoại đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài (room) trong các ngân hàng là cần thiết. Thực tế, sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song nhìn chung vẫn có vốn “mỏng”, hệ số CAR thấp hơn so với khu vực.
Nỗ lực tăng năng lực tài chính
Rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia vào ngân hàng Việt vẫn là giới hạn room ngoại 30%, trong khi dư địa để mua thêm tại các ngân hàng tiềm năng không còn, hoặc còn rất ít.
TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital Việt Nam
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, cùng với việc niêm yết, Ngân hàng nỗ lực tìm kiếm cơ hội để tăng vốn. Năm 2023, Nam A Bank đã phát hành hơn 211,6 triệu cổ phiếu, tương đương 25% vốn điều lệ, qua đó tăng vốn từ 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng. Năm 2024, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 13.700 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối thông qua chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu và mục tiêu cho năm 2025 là vốn điều lệ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.
Nam A Bank đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm nhà đầu tư phù hợp, Ngân hàng sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để thu hút thêm vốn ngoại.
Với HDBank, tại cuộc gặp các nhà đầu tư vừa qua, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ đầu tư chia sẻ, HDBank đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.
“Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và Ngân hàng tìm được những đối tác phù hợp”, ông Tùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, thời gian qua, HDBank đã nhận được sự quan tâm của một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của Ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.
Công ty Chứng khoán Vietcap kỳ vọng, hoạt động huy động vốn cổ phần của ngành ngân hàng kể từ nửa cuối năm 2024 sẽ dần diễn ra sôi động. Trong đó, Vietcombank, BIDV và LPBank có thể huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ với tổng giá trị ước tính 64.900 tỷ đồng trong năm 2024. Riêng HDBank, ngân hàng này có kế hoạch phát hành 12.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong năm nay.
Với Techcombank, Tổng giám đốc Jens Lottner cho hay, Ngân hàng có thể mở cửa chào đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược dài hạn. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 22% cổ phần của Techcombank, tức còn dư địa khoảng 8%.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận xét, đã và đang có không ít nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các ngân hàng Việt với mục đích kiếm lời. Với mục tiêu đó, họ sẽ tìm các ngân hàng tốt để đầu tư, song cũng có nhà đầu tư muốn hợp tác lâu dài. Có ba tiêu chuẩn chính mà nhà đầu tư lựa chọn ngân hàng trong nước: lợi nhuận trong quá khứ và kỳ vọng lợi nhuận tương lai; có bộ máy quản trị tốt; ngân hàng đã niêm yết để có thể thoái vốn khi cần.
Giới chuyên gia dự báo, dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital Việt Nam, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia vào ngân hàng Việt vẫn là giới hạn room ngoại 30%, trong khi dư địa để mua thêm tại các ngân hàng tiềm năng không còn, hoặc còn rất ít.