Ngành ngân hàng: Nguy cơ “ngoại” thôn tính “nội”

(ĐTCK) Sau Standard Chartered, HSBC, ANZ, hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa xuất hiện thêm hai tên tuổi mới là Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc) với vốn điều lệ 1.670 tỷ đồng và Ngân hàng Hong Leong Bank Berhad (Malaysia) có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn, việc các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng 100% vốn không chỉ là sự kiện lớn của ngành ngân hàng Việt Nam năm 2008, mà còn khẳng định sự hội nhập của thị trường tài chính Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, ông Ngoạn bày tỏ sự lo ngại cho các ngân hàng nội địa về vấn đề cạnh tranh.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn

Mặc dù kém 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài vừa được cấp phép về nhiều mặt, nhưng không ít lãnh đạo ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng nước ngoài được hoạt động bình đẳng như ngân hàng nội địa là không đáng ngại. Ý kiến của ông như thế nào?

Sau hơn 25 năm hoạt động trong ngành ngân hàng với nhiều cương vị khác nhau, tôi nhận thấy rằng, việc ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập là rất đáng quan tâm, vì tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm… giữa ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài còn khoảng cách khá xa. Nếu ngân hàng nước ngoài phát huy ngay thế mạnh của họ đây là điều đáng quan ngại với hầu hết các ngân hàng nội địa, đặc biệt là ngân hàng nhỏ mới thành lập hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động. Tất nhiên, các ngân hàng trong nước cũng có thế mạnh riêng của mình, nhưng ngân hàng nước ngoài sẽ có được lợi thế mà ngân hàng Việt Nam đang có.

Theo ông, thời gian để các ngân hàng nước ngoài thu hẹp khoảng cách về lợi thế với ngân hàng trong nước mất bao lâu?

Không lâu lắm, bởi Standard Chartered, HSBC, ANZ đã có thâm niên hàng chục năm hoạt động tại Việt Nam, còn Shinhan và Hong Leong Bank Berhad có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại thị trường mới nổi. Cái mà cả 5 ngân hàng này thiếu chính là sự am hiểu phong tục, tập quán, thói quen, văn hoá của người Việt và địa bàn hoạt động chưa rộng khắp cả nước. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần 2 - 3 năm thì những hạn chế này sẽ được họ giải quyết.

Giả sử ông là tổng giám đốc 1 trong 5 ngân hàng kể trên, ông sẽ làm gì khi bắt đầu với thị trường mới?

Nếu đưa nhân lực, công nghệ, kinh nghiệm hoạt động tại các nước khác vào Việt Nam chắc chắn sẽ mắc phải sai lầm. Chính vì vậy, để bắt đầu với một thị trường mới, tôi sẽ sử dụng chính người Việt Nam thực hiện các công việc của ngân hàng. Bởi trong kinh doanh, có những cái được gọi là văn hoá kinh doanh. Văn hoá kinh doanh của người Việt rất phong phú, đa dạng và chỉ người Việt mới hiểu được. Đơn cử, khi thẩm định cho vay, ngoài việc căn cứ vào hồ sơ vay vốn, tình hình tài chính, hoạt động sản xuất - kinh doanh, phương án trả nợ của khách hàng, thì cán bộ tín dụng, thậm chí là lãnh đạo chi nhánh ngân hàng còn xuống tận nơi để kiểm tra, không chỉ kiểm tra dự án mà còn phải "mặt đối mặt" với khách hàng. Nếu ngân hàng nước ngoài sử dụng nhân lực là người địa phương thì lợi thế này của ngân hàng nội địa không còn.

Bên cạnh đó là cách thức kinh doanh, nếu ngân hàng nước ngoài áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp của ngân hàng mẹ hoặc áp dụng các chuẩn mực quốc tế để thẩm định, đánh giá doanh nghiệp khi cho vay thì khó thể tồn tại được, vì các chuẩn mực của Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung của thế giới. Tôi nghĩ rằng, không mất nhiều thời gian để các ngân hàng nước ngoài nhận ra điều này và tìm cách thích ứng với cách thức hoạt động kinh doanh của người Việt. Và như vậy, một lợi thế nữa của ngân hàng trong nước không còn.

Nếu là tổng giám đốc một ngân hàng trong nước, ông có lo ngại sự "hoà nhập" của ngân hàng nước ngoài với môi trường kinh doanh "rất Việt Nam" không?

Lo ngại, nhưng không sợ, vì đã lường trước được các yếu tố có thể xảy ra để tìm cách đối phó. Cách tốt nhất và duy nhất là đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức quản lý nhân sự, cách thức kinh doanh, phương thức quản trị… để phát triển. Sự đổi mới quan trọng nhất đối với ngành ngân hàng là con người và phương thức quản trị. Nếu không tự đổi mới để phát triển thì không thể tồn tại và đến một lúc nào đó sẽ trở thành một phần của ngân hàng nước ngoài khi cổ phiếu bị các ngân hàng này mua hết. Hiện đã có một số ngân hàng ý thức được việc này, nhưng theo tôi, còn rất nhiều ngân hàng vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Và sau khi thực hiện các bước để "nhập gia tuỳ tục", ông sẽ tìm cách ngắn nhất để nâng thị phần?

Nếu là lãnh đạo ngân hàng nước ngoài, tôi sẽ thực hiện đồng thời cả 3 hướng để chiếm lĩnh thị trường: thành lập chi nhánh; đầu tư vốn chiến lược vào các ngân hàng Việt Nam, khi có điều kiện thì thôn tính hoặc trở thành cổ đông có quyền chi phối; và thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ban đầu, sẽ thực hiện cả 3 mũi tiến công này, đến một lúc nào đó sẽ sáp nhập làm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài duy nhất. Thực hiện việc này, ngân hàng nước ngoài sẽ khắc phục được nhược điểm lớn nhất hiện nay là mạng lưới ít và rút ngắn được thời gian tiếp cận thị trường.

Giá nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện rất thấp, đây là cơ hội để ngân hàng nước ngoài thôn tính ngân hàng Việt Nam, 1 trong 3 hướng như ông nói, nhưng chưa thấy họ thực hiện. Phải chăng họ không biết điều này?

Với hàng trăm năm kinh nghiệm, hoạt động rộng khắp thế giới và đã sử dụng biện pháp này để thôn tính ngân hàng nhiều nước đang phát triển khác nên không có lý do gì họ không áp dụng tại Việt Nam. Việc các ngân hàng nước ngoài gần đây "lơ là" đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng nội địa có thể là do ngân hàng mẹ ở chính quốc đang gặp khó khăn, buộc phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, rút vốn ở một số nơi. Nhưng hãy chờ xem, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính qua đi, những ngân hàng nhỏ của Việt Nam sẽ trở thành đối tượng để các ngân hàng nước ngoài nhòm ngó.

Theo ông, cảnh ngân hàng nội bị thôn tính có còn xa không?

Ngày 8/9/2008, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho Standard Chartered Bank và HSBC thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam; ngày 29/12/2008, Shinhan và Hong Leong Bank Berhad trở thành một phần trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Chỉ trong vòng 4 tháng đã có 5 ngân hàng nước ngoài được thành lập trong khi thị trường tài chính thế giới vẫn rơi vào khủng hoảng nói lên điều gì nếu không phải là các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới nhận thấy thị trường tài chính Việt Nam là mảnh đất màu mỡ và nhân cơ hội này đầu tư vào Việt Nam, trước hết là xây dựng thương hiệu, tạo nền móng và sau khi cuộc khủng hoảng tài chính qua đi sẽ khuếch trương thế mạnh của mình tại Việt Nam. Theo tôi được biết, các ngân hàng hàng đầu thế giới rất quan tâm tới nền kinh tế mới nổi như Việt Nam nên việc thôn tính ngân hàng nội địa có thể sẽ không còn xa.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục