Ngành ngân hàng toàn cầu sẽ cần 140 năm để nam giới và nữ giới bình đẳng ở các vị trí lãnh đạo
Tại Hội thảo quốc tế “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới” do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức sáng nay (ngày 18/10) tại Hà Nội, ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam chia sẻ, sau đại dịch COVID-19, sự tham gia của phụ nữ vào thị trường việc làm đã được ghi nhận tăng rõ rệt. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều phụ nữ muốn kiểm soát tương lai tài chính của mình hơn bao giờ hết.
Một cuộc khảo sát của Fidelity năm ngoái cho thấy số lượng phụ nữ nói rằng họ quan tâm đến đầu tư đã tăng 50% kể từ đầu năm 2020. Một nghiên cứu của UBS cũng đưa ra kết luận tương tự, với 68% phụ nữ cho biết họ đang nói nhiều hơn về vấn đề tài chính trong gia đình. Có vẻ như sự đề phòng ngày càng tăng đã khiến nhiều phụ nữ phải xem xét lại tình hình tài chính của bản thân và tìm cách kiểm soát số phận của mình.
Tuy nhiên, ông Jaya Ratnam cũng cho biết, có những phụ nữ không nghĩ như vậy - mong muốn không phải lúc nào cũng dẫn đến hành động. Chỉ một phần nhỏ những người trong cuộc khảo sát của UBS thực hiện các hành động mà họ dự định thực hiện. Một báo cáo khác của UBS cho thấy, phần lớn phụ nữ đã kết hôn trên toàn cầu để chồng họ đưa ra các quyết định tài chính.
Ông Jaya Ratnam nói: “Những lý do khiến phụ nữ lùi bước rất rõ ràng, đó là: vai trò giới tính trong lịch sử và xã hội của người phụ nữ là người chăm sóc chính cho gia đình và bản thân họ cũng không đủ tự tin để đưa ra các quyết định tài chính”.
Bà Sarah Tiwgg, Trưởng nhóm giới và kinh tế bao trùm khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, trên toàn cầu, ngành ngân hàng sẽ cần 140 năm để nam giới và nữ giới bình đẳng ở các vị trí lãnh đạo; 12% nữ giới nắm giữ vị trí Thống đốc Ngân hàng nhà nước; 19% nữ giới ở vị trí C-suite tại các ngân hàng thương mại; 35% nữ giới trong HĐQT của các ngân hàng thương mại; 26% nữ giới nắm giữ các vị trí điều hành cấp cao tại các ngân hàng thương mại.
Còn tại Việt Nam thì sao?
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, ngành Ngân hàng đến nay đã có nhiều thành tựu và đóng góp trong thúc đẩy bình đẳng giới. Lần đầu tiên tại Việt Nam, NHNN đã có nữ Thống đốc; đồng thời, Thống đốc NHNN là một trong số 3 thành viên Chính phủ là nữ trên tổng số 26 thành viên Chính phủ hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cho biết, 100% đơn vị thuộc NHNN đã có cán bộ chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp phòng, cấp Vụ và nữ là thủ trưởng đơn vị đều tăng so với đầu nhiệm kỳ. Các mục tiêu về bình đẳng giới về cơ bản đã đạt được. Đề cập đến những nỗ lực của ngành Ngân hàng góp phần vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, bà Hồng cho biết, NHNN tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế, trong đó có phụ nữ; tạo điều kiện để ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng cho nhóm yếu thế, phụ nữ.
Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai tín dụng chính sách xã hội hướng đến nhóm đối tượng khách hàng nữ. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội có 61.951 tổ vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý; 117.000 tỷ đồng dư nợ (38% tổng dư nợ tín dụng); 2.525 thành viên có dư nợ. Hay như tại Agribank, có 10.175 tổ vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý; 30.000 tỷ đồng dư nợ; 217.038 thành viên có dư nợ…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam khẳng định, đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản đạt được các mục tiêu chính của Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung cũng đã và đang nỗ lực để có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng cường cấp tín dụng cho đối tượng khách hàng là phụ nữ…
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam nói riêng và các đối tượng yếu thế nói chung. Ngành ngân hàng đã ban hành các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ phụ nữ, đối tượng yếu thế phát triển kinh tế. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực mở rộng các dự án hợp tác/hỗ trợ quốc tế để tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.
“Đặc biệt, NHNN đã tăng cường các hoạt động phối hợp với các cơ quan trong nước, từ trung ương đến địa phương… để tăng cường giáo dục tài chính cho người dân nói chung và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, Phó Thống đốc nói.
Thực tế cho thấy, Đông Nam Á đang trải qua thời kỳ tăng trưởng vượt bậc, với nền kinh tế tổng hợp đứng thứ 5 trên thế giới. GDP của khu vực được dự đoán sẽ tăng hơn 5% trong 5 năm tới - cao hơn 1,5% so với mức trung bình toàn cầu. Nhờ sự tăng trưởng này, vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao cả trong các lĩnh vực việc làm, y tế, giáo dục và ra quyết định. Kết quả là có nhiều câu chuyện thành công đáng kể và những chỉ số ấn tượng về bình đẳng giới trong khu vực.
“Tuy nhiên, ở Đông Nam Á cũng như các nước khác trên thế giới vẫn tồn tại một vấn đề rõ ràng đó là: Phụ nữ mong muốn được đóng vai trò lớn hơn và tốt hơn, nhưng có nhiều rào cản đang ngăn cản họ tham gia nhiều hơn”, ông Jaya Ratnam nói.
Ông Jaya Ratnam cho rằng, thu hẹp khoảng cách giới bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực và thông tin là chưa đủ. Đây là một vấn đề nhiều mặt và phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực chung của nhiều bên liên quan để hành động trên nhiều mặt trận. Giải pháp đưa ra là chúng ta nên đưa ra những quy định cụ thể.
|
Tại Singapore, Hướng dẫn ba bên về Thực hành Việc làm Công bằng yêu cầu nhân viên và người tìm việc phải được đánh giá dựa trên thành tích, chứ không phải dựa trên các yếu tố không liên quan đến khả năng thực hiện công việc của họ, chẳng hạn như tình trạng hôn nhân hoặc trách nhiệm gia đình.
Điều đáng khích lệ là các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý và hội đồng kinh doanh ở Singapore đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được, nhằm tăng cường sự đa dạng trong hội đồng quản trị và cấp bậc lãnh đạo.
“Ở Việt Nam, chỉ cần nhìn quanh phòng họp, tôi bị ấn tượng bởi số lượng phụ nữ đã đảm nhiệm những vị trí cao như vậy - một tín hiệu rất tích cực. Nhưng cả Singapore và Việt Nam đều có thể và vẫn phải làm tốt hơn nữa. Đây không chỉ là điều đúng đắn, mà còn đóng góp tích cực cho hoạt động kinh doanh, con người và cộng đồng của chúng ta”, ông Jaya Ratnam nhấn mạnh.